Giúp đồng bào tìm đầu ra cho nông sản - Bài cuối: Cần cơ chế linh hoạt

Làm thế nào để thu hút được các doanh nghiệp chung tay cùng với chính quyền thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi thật sự là bài toán khó…


Chưa hiểu nhau


Không phải chính quyền địa phương nào cũng đưa ra được giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu mua nông sản, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Đây chính là lý do khiến các doanh nghiệp không mặn mà với việc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây con cho đồng bào.


“Muốn hai bên tìm được tiếng nói chung, việc đầu tiên các cấp chính quyền cần làm là phải hiểu được những khó khăn của doanh nghiệp, hay nói cách khác là hãy lắng nghe doanh nghiệp”, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.


Những năm qua đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn miền núi, vùng dân tộc, nhưng họ cứ “rút dần”. Như ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, trước đây có gần chục doanh nghiệp nhưng đến nay chỉ còn một sản xuất kinh doanh chè. “Để gắn bó lâu dài với địa phương, các doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để đào tạo, hướng dẫn cho đồng bào từ cách trồng, chăm sóc cây chè đến việc thu gom, sơ chế, bảo quản… Tuy nhiên, điều đáng buồn là chính quyền không hiểu được điều này, không có cơ chế ưu đãi riêng cho doanh nghiệp, khiến cho chúng tôi phải chịu nhiều thiệt thòi, dẫn tới việc doanh nghiệp không mặn mà với việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nữa”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.


Như vậy, việc nhận thức của các cấp chính quyền là rất quan trọng vì tác động trực tiếp tới việc tạo ra một môi trường phù hợp, như ưu đãi về vốn, thuế, hạ tầng… từ đó thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào.


“Chính quyền địa phương cũng phải thể hiện vai trò, trách nhiệm, chủ động vào cuộc, đồng hành với doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho bà con, hướng dẫn họ vay vốn đối ứng, sử dụng đúng mục đích, thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư... Thực tế, đã từng xảy ra trường hợp, doanh nghiệp đầu tư công sức, hướng dẫn người dân trồng nguyên liệu, nhưng khi thu hoạch, bà con lại bán cho tư thương với giá chênh hơn dù chỉ từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg nguyên liệu, gây thiệt hại không ít cho doanh nghiệp”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.


Tạo môi trường hấp dẫn


Ở một số địa phương, chính quyền đã thực sự vào cuộc cùng doanh nghiệp. Bà Võ Thị Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết: Quan điểm của huyện là đặt lợi ích của bà con nông dân lên hàng đầu, nếu doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho nông dân để họ có việc làm và thu nhập ổn định thì huyện sẽ ưu tiên trước. Cụ thể, huyện sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất với thủ tục gọn gàng và nhanh nhất (tuy nhiên phải đúng luật). Cùng với đó là đồng hành với doanh nghiệp làm mọi thủ tục giấy tờ liên quan.


Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nào đăng ký nộp thuế trên địa bàn thì huyện cũng sẽ miễn thuế từ 2 - 3 năm đầu hoạt động. Đơn vị nào cần sự hỗ trợ của chính quyền trong việc mở vùng nguyên liệu thì UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức tiến hành qui hoạch để cho doanh nghiệp có điều kiện phát triển. Sắp tới UBND huyện sẽ gặp mặt các nhà đầu tư để lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của họ, trên cơ sở đó sẽ tạo ra khung hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động để tạo được nhiều việc làm hơn nữa cho đồng bào.


Với quan điểm khá thông thoáng và minh bạch như trên, nên hiện Anh Sơn là một trong số ít huyện có tới 5 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các doanh nghiệp này đang thực hiện hiệu quả sự kết hợp của 3 nhà là nhà nông, Nhà nước, và nhà đầu tư, theo đó kiêm luôn vai trò của nhà khoa học trong hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào.


Hiện nay, mỗi địa phương có một cách làm khác nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đều có chung một mục tiêu là xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào. Vì vậy, trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, việc tạo một môi trường hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho đồng bào là rất quan trọng. Và nếu làm tốt điều này, chắc chắn sẽ mở thêm nhiều cơ hội thoát nghèo cho đồng bào một cách bền vững.


Bài và ảnh: Minh Đức - Trường Giang

Giúp đồng bào tìm đầu ra cho nông sản - Bài 1: Vẫn làm nửa vời
Giúp đồng bào tìm đầu ra cho nông sản - Bài 1: Vẫn làm nửa vời

Một trong những giải pháp để giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi là giúp đồng bào tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản của mình, từ đó có thể tự vươn lên làm kinh tế và đảm bảo cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN