Giúp đồng bào tìm đầu ra cho nông sản - Bài 1: Vẫn làm nửa vời

Một trong những giải pháp để giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi là giúp đồng bào tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản của mình, từ đó có thể tự vươn lên làm kinh tế và đảm bảo cuộc sống.


Bài 1: Vẫn làm nửa vời

 

Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc định hướng, giúp người dân sản xuất hàng nông sản theo hướng hàng hóa, tuy nhiên, ở nhiều địa phương, vai trò này còn rất mờ nhạt.

 

Trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang, khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về cây trồng thế mạnh của bà con tại vùng cao nguyên đá huyện Quản Bạ, ông Lệnh Thế Hội, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện xác định cây ngô là cây chủ lực để phát triển sản xuất, giúp đồng bào ổn định lương thực và vươn lên thoát nghèo. Do vậy, hằng năm, kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ Trung ương, huyện đã dành khoảng hơn 4 tỷ đồng để mua giống ngô lai và hơn 4 tỷ đồng mua phân bón hỗ trợ cho bà con.

 

Liên kết với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp giúp đồng bào ổn định trong sản xuất và thu nhập.

 


Giống ngô lai NK 54 năng suất cao được huyện đưa tới tận tay người dân gieo trồng. Theo tính toán của cán bộ phòng nông nghiệp, chi phí cho 1 ha ngô NK 54 là khoảng 14 triệu đồng, năng suất đạt xấp xỉ 12 tấn/ha. Nếu giá ngô ổn định khoảng 46.000 đồng/kg, bình quân mỗi ha ngô NK45, bà con lãi được khoảng hơn 50 triệu đồng, hoàn toàn có thể đảm bảo được cuộc sống.


Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là năng suất có thể đạt được con số 12 tấn/ha, nhưng lợi nhuận thu về lại không được như mong muốn. Bởi lẽ, việc tiêu thụ sản phẩm chưa được chính quyền quan tâm, chưa có đơn vị nào đứng ra thu mua, bảo vệ quyền lợi của bà con, dẫn đến tình trạng thương lái thường xuyên ép giá, khiến bà con phải bán ngô với giá rẻ.


Trao đổi với chúng tôi, ông Hội thừa nhận: Huyện chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này, do vậy từ trước tới nay bà con tự thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. “Trong thời gian tới, huyện sẽ tính đến phương án tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của bà con, không riêng gì cây ngô”, ông Hội cho biết.

Ông Hà Công Xoan, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mai Châu: Cả huyện chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ người dân bao tiêu sản phẩm. Đây là doanh nghiệp dũng cảm khi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh không mấy “béo bở” này.


Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Những năm trước, người dân nơi đây đã từng được chính quyền địa phương hướng dẫn trồng đào và mận hàng hóa. Tuy nhiên, do cách làm “nửa vời”, chưa tính đến đầu ra của sản phẩm cho bà con, nên sản phẩm đã không tiêu thụ được, có lúc người dân chặt cả cây đem lên trụ sở UBND xã, huyện... bắt đền cán bộ.


Cũng ở huyện Mai Châu, nhưng cách làm của xã Pà Cò dường như “đúng hướng” hơn. Người dân nơi đây được doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh chè đỡ đầu. Công ty này vừa sản xuất, vừa tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc chè Shan Tuyết cho bà con. Mỗi năm, công ty này tiêu thụ gần 200 tấn chè búp tươi, với giá ổn từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp đồng bào Mông yên tâm gắn bó với cây chè.


Tuy nhiên, đó cũng chỉ là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh tổng thể về việc kết nối thị trường tiêu thụ vùng đồng bào DTTS với thị trường. Thực tế, số doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ nông sản chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đổ xô tham gia trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, một trong những lĩnh vực béo bở bởi vốn dành cho xây dựng từ đầu tư công, vốn xây dựng cơ bản từ các chương trình dự án trung ương… rót về hằng năm.



Bài và ảnh: Minh Đức - Trường Giang

 

Bài cuối: Cần cơ chế linh hoạt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN