Tỉ lệ giáo viên (GV) tiếng Anh chưa đạt chuẩn lên tới gần 75% ở bậc tiểu học và 90% ở bậc THPT là kết quả tất yếu của việc đào tạo GV không có chuẩn tại các trường sư phạm.
Cuống cuồng tìm người thi hộ
Chị Phùng Hằng, GV tiếng Anh tại một trung tâm tiếng Anh khá uy tín ở Hà Nội kể: “Gần đây, tôi và một số đồng nghiệp thường xuyên được các GV tiếng Anh ở các trường tiểu học và THPT trên địa bàn TP, thậm chí là GV ở các trường công lập nổi tiếng nhờ đi thi hộ trong cuộc thi sát hạch theo khung tham chiếu C1. Những GV tiếng Anh phải thi nâng chuẩn này đều khổ sở thừa nhận các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết hiện không còn nhớ gì. Vì lo rớt trong kỳ thi sát hạch nên họ chấp nhận trả công hậu hĩnh miễn sao thuê được người có năng lực thực sự”.
Trường THCS Trần Đăng Ninh (Nam Định) là cơ sở giáo dục hiếm hoi có đội ngũ giáo viên 100% đạt trình độ chuẩn.Quý Trung – TTXVN |
Hồng Mây, GV tiếng Anh của một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai - Hà Nội, cũng cho biết: “Những GV tiếng Anh phải tham gia thi sát hạch theo khung tham chiếu C1 đều là những GV chưa đạt chuẩn theo Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020. Kiến thức của họ đều đã rơi rụng do không có thời gian và điều kiện trau dồi, nhất là với những GV đã lớn tuổi. Bấy lâu các thầy cô vẫn trung thành với lối dạy cũ, dạy nặng về ngữ pháp và từ vựng. Bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết không được trau dồi. Nhiều đồng nghiệp đã tham gia các khóa học bồi dưỡng nâng chuẩn nhưng đến khi đi thi vẫn lo cuống cuồng. Đó là thực trạng chung ở hầu hết các trường”.
GV tiếng Anh… phát âm sai
Theo phản ánh của Minh Phương, học sinh lớp 11 ở một trường của quận Thanh Xuân - Hà Nội, giáo viên tiếng Anh trên lớp thường xuyên phát âm sai, dùng tiếng Việt để giảng và chủ yếu dạy ngữ pháp chứ không cho học sinh luyện các kỹ năng nghe, nói. “Tiết học tiếng Anh ở trường rất nhàm chán. Nhiều từ khó, cô giáo còn phát âm sai, rất ức chế”, Minh Phương nói.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển:
Hiện nay Bộ đã xây dựng chương trình bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, năng lực sư phạm để các Sở GD - ĐT, các trường ĐH áp dụng bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên, không phải một lúc mà tất cả các giáo viên đều được đi học ngay, mà cần có lộ trình. Trước mắt, khuyến khích các giáo viên tự nâng cao trình độ bằng việc tự học, tự nâng cao kỹ năng qua quá trình giảng dạy. Khuyến khích các cơ sở đào tạo tạo điều kiện cho giáo viên được tập trung bồi dưỡng, tự đào tạo. Bộ GD - ĐT cũng đã xây dựng các chương trình phần mềm để giáo viên tiếng Anh có thể tự học qua Internet. Phương pháp này gọi là E-learning. Phương pháp này giúp người học chủ động về thời gian, nội dung, lựa chọn chương trình học phù hợp. Nhiều địa phương đã áp dụng phần mềm này và bước đầu cho kết quả tốt.
BàVũ Thị Tú Anh, Trưởng Ban Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (Đề án ngoại ngữ 2020):
Trong Đề án ngoại ngữ 2020, đã nhấn mạnh giai đoạn 2011 - 2015 là giai đoạn quan trọng với nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, cung cấp trang thiết bị cho các trường, tiến hành dạy bằng tiếng Anh cho các ngành công nghệ thông tin, ngân hàng tài chính, du lịch, kinh doanh tại một số trường đại học trọng điểm; dạy toán và một số môn khoa học bằng tiếng Anh ở một số trường THPT và dạy một phần các môn học ở năm cuối đại học bằng tiếng Anh. Trong những năm từ 2012 - 2016, Hội đồng Anh sẽ tập huấn ở bậc tiểu học cho 22.4000 giáo viên, 320 tập huấn viên trình độ cao. Ở bậc trung học sẽ tập huấn khoảng 20.160 giáo viên và 600 tập huấn viên trình độ cao.
Sau khi Đề án ngoại ngữ 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GD - ĐT đã giao nhiệm vụ cho một số cơ sở giáo dục đại học đủ năng lực tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và phương pháp giảng dạy để làm tài liệu, giáo trình tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu trong quá trình xây dựng, phát triển chương trình đào tạo; như chương trình bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng Anh dành cho giáo viên THCS; chương trình đào tạo cử nhân CĐ ngành sư phạm tiếng Anh (chuyên ngành sư phạm tiếng Anh bậc tiểu học) theo học chế tín chỉ; chương trình đào tạo cử nhân CĐ ngành sư phạm tiếng Anh (chuyên ngành sư phạm tiếng Anh bậc THCS) theo học chế tín chỉ...
Giảng viên Hoàng Hồng Hà, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội:
Thời lượng đào tạo giáo viên tiếng Anh hiện nay mà Bộ GD - ĐT quy định là không đủ. Trường phải tăng cường thêm số tiết, để sinh viên sau khi tốt nghiệp có bằng chuẩn. Trên thực tế, muốn đáp ứng yêu cầu về chuẩn giáo viên tiếng Anh mà Bộ đưa ra, cần phải có thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó, phải thay đổi từ khâu tiếp cận làm sao để môn tiếng Anh là môn kỹ năng, thực hành giao tiếp. Nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên là khâu cốt yếu của Đề án ngoại ngữ 2020 và các trường đào tạo sư phạm có vai trò quyết định. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, việc học này là cả quá trình, từ bậc phổ thông lên. Từ bậc học dưới, học sinh chủ yếu chú trọng ngữ pháp, trong khi yêu cầu của Bộ là đòi hỏi giáo viên có kỹ năng nghe, nói. Muốn nâng cao trình độ cho sinh viên sư phạm thì giáo viên cũng cần phải được tập huấn, đào tạo. |
Chị Kim Oanh, phụ huynh học sinh lớp 4 tại một trường tiểu học của quận Đống Đa - Hà Nội cũng cho biết, con trai chị đi học về thường kêu tiết học tiếng Anh ở lớp rất nhàm chán. “Trong các cuộc họp phụ huynh, chúng tôi đã phản ánh việc này đến Ban giám hiệu. Câu trả lời chúng tôi nhận được từ hiệu trưởng là hiện bậc tiểu học chưa có biên chế chính thức cho GV tiếng Anh. Số GV tiếng Anh đang đứng lớp là số GV hợp đồng. Cơ chế đãi ngộ thấp nên trường rất khó mời được những GV tiếng Anh thật sự có năng lực”, chị Oanh kể.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Chuyên, Trưởng phòng phụ trách giáo dục tiểu học - Sở GD - ĐT tỉnh Hà Giang cho biết, tiền lương trả cho GV tiếng Anh bậc tiểu học chủ yếu lấy từ các nguồn xã hội hóa nên rất hạn chế. Số tiết chuẩn là 18 tiết/tuần, nhưng thực chất GV tiếng Anh phải dạy gấp đôi, gấp 3 số tiết chuẩn với đồng lương bèo bọt. Chế độ đãi ngộ thấp rất khó để tìm được GV giỏi và khiến họ gắn bó lâu dài với trường lớp.
Đào tạo không chuẩn
Thống kê mới nhất của Bộ GD - ĐT, sau 3 năm thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020, tỉ lệ GV tiếng Anh phổ thông chưa đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo quy định vẫn rất cao. Cụ thể, gần 75% GV tiếng Anh tiểu học và gần 90% GV tiếng Anh THPT chưa đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ. Kết quả khảo sát tại một số đơn vị cũng cho thấy, nếu chiểu theo khung chuẩn châu Âu thì bậc THPT có tới 98% GV chưa đạt yêu cầu. Yêu cầu đặt ra là GV phải có trình độ C1, nhưng hiện nay tuyệt đại đa số GV mới chỉ đạt chuẩn trình độ ở mức độ B1 và B2.
Cô Ngô Anh Thơ, giảng viên tiếng Anh của trường ĐHQGHN, cho biết: “Tỷ lệ vênh chuẩn đó là một thực tế mà chúng ta cần đối mặt. Các loại hình đào tạo chính quy, tại chức, liên thông ở các trường ĐH hiện nay cho ra đời những thế hệ cử nhân không đủ chuẩn. Phần lớn sinh viên giỏi khi tốt nghiệp đều không chọn nghề GV vì lương thấp, trừ những em có niềm say mê muốn đi dạy (số này lại quá ít). GV tiếng Anh phổ thông đang đứng lớp hầu như không được đào tạo lại nên kiến thức cũng bị rơi rụng”.
Còn theo chị Phùng Hằng, nguyên nhân gốc rễ của việc GV tiếng Anh vênh chuẩn xuất phát từ việc các trường sư phạm đào tạo chưa chuẩn, đào tạo nhiều nhưng không đảm bảo chất lượng. Sinh viên sư phạm không được thực hành nhiều, đào tạo không chuyên sâu, cho sinh viên tốt nghiệp ào ạt, dẫn đến kết thúc 4 năm học sinh viên chẳng có gì trong tay, không kỹ năng, không kinh nghiệm.
“Một giáo viên đạt chuẩn không chỉ có kỹ năng giảng dạy tốt mà chuyên môn cũng phải vững vàng. Dạy tiếng Anh thì phải thành thạo 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Bên cạnh đó, kỹ năng sư phạm cùng cái tâm cũng rất quan trọng. Với những giáo viên vênh chuẩn cần được đào tạo lại, kiểm tra bằng các cuộc thi sát hạch thật sự nghiêm túc”, chị Phùng Hằng cho biết.
GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, đồng tình với quan điểm GV tiếng Anh vênh chuẩn là kết quả của việc đào tạo GV không có chuẩn tại các trường sư phạm. Ông khẳng định, chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên sư phạm hiện nay phải phù hợp với sự đổi mới của chương trình học, yêu cầu thực tế của xã hội. GV tiếng Anh được đào tạo ra phải là người có phông nền kiến thức rộng, tích hợp, nắm vững tất cả các kiến thức, kỹ năng.
“Việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên đang có là một bài toán nan giải của ngành giáo dục bởi số lượng đông lên đến hàng triệu người, và thói quen giảng dạy đã ăn sâu, năng lực chuyên môn có hạn của từng người... Đào tạo sư phạm phải đi trước một bước theo kiểu đi trước đón đầu. Chuẩn bị đội ngũ giáo viên nếu không chú ý quan tâm, không có tầm nhìn xa thì rất khó đạt được thành tựu như mong muốn”, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
Thu Hòe - Lê Vân