Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu ban hành ngày 7/1/2013, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được triển khai từ ngày 1/6/2013, đến nay đã được phân nửa chặng đường.
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được triển khai từ ngày 1/6/2013, đến nay đã được nửa chặng đường. |
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân mới chỉ đạt 5.316 tỷ đồng tổng dư nợ tín dụng trên 9.738 tỷ đồng trong tổng số tiền cam kết cho vay. Số liệu này vừa được Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cung cấp cho báo giới cùng với nhận định, kết quả thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở còn nhiều hạn chế và chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Tính đến giữa tháng 1/2015, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay đối với 12.113 hộ gia đình, cá nhân và 33 dự án bất động sản. Trên thực tế, đã có 12.091 hộ gia đình, cá nhân được tiếp cận nguồn vốn vay với tổng số tiền là 3.725 tỷ đồng. Trong đó, 5.714 hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở xã hội với dư nợ tín dụng là 1.519 tỷ đồng và 6.377 hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở thương mại với dư nợ 2.207 tỷ đồng. Đối với các tổ chức và doanh nghiệp, đã có 28/33 dự án nhà ở được giải ngân với tổng số tiền hơn 1.590 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tình hình cho vay gói tín dụng này, trung tuần tháng 1 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước công bố bổ sung danh sách các ngân hàng thương mại cổ phần tham gia vào hoạt động cho vay tín dụng để hỗ trợ người dân có điều kiện thuê hoặc mua nhà ở. Như vậy ngoài 5 ngân hàng thương mại Nhà nước là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) còn có 10 ngân hàng thương mại cổ phần khác. Với việc tăng cường thêm đầu mối cho vay, các nhà hoạch định chính sách đang mong đợi sẽ thúc đẩy trực tiếp hoạt động cho vay mua nhà để ở của người dân, cũng như gián tiếp hỗ trợ khơi thông cho thị trường bất động sản, vốn đang nguội lạnh lâu nay.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông, 1 trong 10 ngân hàng mới được tham gia gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhận định, đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng đẩy mạnh vốn vay tới từng cá nhân người mua nhà. Nhưng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường bất động sản trong năm 2015, cũng như “cầu” về nhà ở với mức giá hợp ý liệu có gặp được đúng nguồn “cung” hay không?
Nhiều ý kiến từ dư luận xã hội cho rằng, việc mở thêm nguồn cung tín dụng cũng là nhằm giảm áp lực giải ngân khi thời hạn của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ sớm kết thúc vào giữa năm 2016. Những người đứng đầu của các ngân hàng thương mại cổ phần đều có chung quan điểm, nếu được tham gia giải ngân cho gói tín dụng này sẽ là điều kiện tốt góp phần tăng trưởng tín dụng ngân hàng thông qua việc thúc đẩy tín dụng cá nhân mua nhà. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là kỳ vọng về dư nợ tín dụng nhà ở sẽ tăng vọt trong năm 2015. Bởi lẽ, tâm lý khách hàng hiện nay vẫn mong đợi lãi suất cho vay cũng như giá nhà ở sẽ tiếp tục giảm thêm. Ngoài ra, giá bất động sản ở thời điểm này tuy đã giảm, song những dự án có căn hộ ở mức giá khoảng 1 tỷ đồng lại không nhiều, chưa kể việc chứng minh nguồn thu nhập trả nợ của khách hàng ngày càng khó khăn vì bị giảm thu nhập.
Một số ngân hàng đã có hướng đi riêng để tự tìm cách gỡ bí đầu ra cho gói 30.000 tỷ đồng. Ông Huỳnh Song Hào, Phó Giám đốc, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, chủ trương của ngân hàng là đẩy mạnh vốn cho vay khách hàng cá nhân, nhất là với gói 30.000 tỷ đồng. Đó cũng là lý do để Vietcombank tìm kiếm những dự án có mức giá căn hộ phù hợp, khoảng 1 tỷ đồng/căn trở xuống để tài trợ vốn vay với lãi suất 5%/năm theo chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, riêng việc chứng minh khả năng trả nợ của nhiều khách hàng vẫn còn vướng mắc nên khó đáp ứng được điều kiện vay tín dụng dẫn tới việc khó giải ngân là điều dễ hiểu.
Lý giải những nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm giải ngân của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân tích, chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới được làm lần đầu. Do vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu. Tuy các địa phương đã bước đầu chú ý thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ, song hiện vẫn có rất ít nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m 2 , giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m 2 để bán cho người dân, nên người dân chưa thể vay vốn. Ngoài ra, đây là gói tín dụng có vay, có trả, nên dù lãi suất vay thấp hơn lãi suất thương mại, nhưng người dân cũng phải cân nhắc, tính toán khả năng trả nợ mới ký hợp đồng vay vốn. Thêm nữa, phía các ngân hàng khi cho vay cũng phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ từ phía khách hàng là hộ gia đình cá nhân.
Tìm giải pháp tháo gỡ cho tình hình này, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, đã có sự phối hợp với Ngân hàng Nhà nước giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, như khâu xác nhận đối tượng và điều kiện cho vay. Theo đó, kéo dài thời gian hỗ trợ vay vốn từ 10 năm lên 15 năm; bổ sung một số đối tượng được vay vốn khi mua, xây dựng hoặc cải tạo nhà ở cá nhân cũng như xây dựng hoặc cải tạo nhà ở xã hội; không quy định cụ thể về diện tích và giá bán nhà ở thương mại mà chỉ quy định về giá trị hợp đồng dưới 1,05 tỷ đồng là thuộc đối tượng được vay…
Ngoài ra, các địa phương cần tích cực rà soát những dự án bất động sản đang triển khai để phân loại và điều chỉnh, chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội; tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội và điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại.
Có thể thấy rằng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không những góp phần giải quyết nhà ở cho trên 12.000 hộ gia đình và cá nhân, mà còn tác động tới thị trường bất động sản nói chung, cũng như niềm tin của người dân đối với thị trường đang ngày càng được củng cố. Chỉ cần nhìn vào diễn biễn tăng dư nợ tín dụng của gói 30.000 tỷ đồng trong năm 2014 cao gấp 12 lần so với năm 2013 và từ nay sẽ có tổng 15 ngân hàng thương mại cùng tham gia vào gói tín dụng này, chắc chắn tiến độ giải ngân sẽ tăng nhanh trong năm 2015, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, đồng thời góp phần củng cố xu hướng hồi phục của thị trường bất động sản.
Thạch Huê