Bất ổn chính trị tại Thái Lan đang có nguy cơ gia tăng, khi phe đối lập quyết tâm đẩy mạnh chiến dịch chống chính phủ cả trên đường phố và trong nghị trường.
Chiếm trụ sở Bộ Tư lệnh lục quân
Ngày 29/11, khoảng 1.200 người biểu tình chống chính phủ đã bao vây, xô đổ cổng và tiến vào bên trong khuôn viên Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh lục quân Thái Lan. Uthai Yodmanee, một người lãnh đạo đoàn biểu tình tuyên bố: "Chúng tôi muốn biết quân đội đứng về phía nhân dân hay chính phủ". Cùng lúc, một đoàn biểu tình khác đã tập trung bên ngoài trụ sở đảng Puea Thai của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, gây căng thẳng với lực lượng cảnh sát chống bạo động gác bên ngoài tòa nhà. Tại khu hành chính tỉnh Pathum Thani, đã xảy ra xô xát giữa người biểu tình thuộc phe “áo đỏ” ủng hộ chính phủ với lực lượng đối lập, làm ít nhất 2 người bị thương.
Người biểu tình phe đối lập bên trong khuôn viên Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh lục quân Thái Lan. |
Đây được xem là các diễn biến leo thang bất ổn mới, xảy đến ngay sau khi thủ lĩnh đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva phát động chiến dịch lật đổ chính quyền bắt đầu từ ngày 29/11, khẳng định sẽ song hành cùng với người biểu tình trong mục tiêu lật đổ "chế độ Thaksin". Ông Abhisit tuyên bố, đảng Dân chủ không công nhận chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Để củng cố tính chính danh cho các hoạt động chống chính phủ, cựu Thủ tướng Abhisit nhấn mạnh, đảng Dân chủ và bản thân ông sẽ không nhận bất kỳ vị trí nào trong một chính quyền lâm thời nếu như xảy ra biến động chính trị không diễn ra theo hệ thống nghị viện. Trước đó, ông Suthep Thaugsuban, nhà lãnh đạo biểu tình đối lập tuyên bố mục đích cuối cùng là lập ra "hội đồng nhân dân” có thực quyền chọn ra một Thủ tướng và Nội các mới. Ông Suthep cũng bác bỏ khả năng đàm phán với chính phủ.
Thủ tướng kêu gọi kiềm chế
Ngay sau khi dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện hôm 28/11 do đảng Dân chủ khởi xướng, Thủ tướng Yingluck đã lên tiếng kêu gọi người biểu tình chấm dứt tụ tập, chiếm giữ trụ sở các bộ, ngành, cơ quan chính phủ, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đối thoại nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, không để bất ổn kéo lùi nền kinh tế đất nước. Bà Yingluck cũng cam kết chính phủ sẽ kiềm chế tối đa trước làn sóng biểu tình, nhưng kiên quyết bác bỏ yêu sách đòi thành lập “hội đồng nhân dân” mà phe đối lập đưa ra.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Kittiratt Na-Ranong ngày 29/11 cũng lên tiếng chỉ trích phong trào biểu tình chống chính phủ, cảnh báo bất ổn do xung đột chính trị gây ra có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống dưới 3%, so với mức 6% trong năm 2012. Hoàng gia và quân đội Thái Lan, hai lực lượng được xem là có tiếng nói quyết định nhất tại thời điểm nhạy cảm này, vẫn chưa đưa ra một tuyên bố mới nào.
Theo dự đoán, quy mô và cấp độ các cuộc biểu tình sẽ tăng mạnh vào dịp cuối tuần khi mà cả phe “áo vàng” và “áo đỏ” đều coi đây là thời gian cao điểm thể hiện thanh thế. Vì liền sau đó là ngày lễ 5/12 - ngày Quốc khánh, đồng thời là ngày sinh nhật của Quốc vương Bhumibol Adulyadej, mà theo truyền thống thường diễn ra trong không khí thanh bình và kính trọng.
Liên hợp quốc và nhiều nước như Trung Quốc, Mỹ, Anh... đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình chính trị ở Thái Lan, kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực và giải quyết bất đồng bằng giải pháp hòa bình. Hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã khuyến cáo công dân tránh các địa điểm biểu tình khi đến Thái Lan.
Hoài Thanh