Chính những kiểu địa hình này đã tạo nên cho mỗi vùng đất những nét đặc trưng riêng về sản vật, sản phẩm nông nghiệp, danh lam thắng cảnh… Sự hấp dẫn của thiên nhiên gắn với nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng các sản vật đặc trưng vùng miền là điều kiện thuận lợi để tỉnh Gia Lai xây dựng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng sâu.
Xác định tầm quan trọng của Chương trình OCOP trong xóa đói, giảm nghèo, tỉnh Gia Lai đã xây dựng đề án giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Gia Lai sẽ củng cố nâng cấp 47 sản phẩm có sẵn và phát triển mới 57 sản phẩm; giai đoạn 2018 - 2020, mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh hàng năm có ít nhất từ 1-2 sản phẩm, dịch vụ được thực hiện theo chương trình OCOP.
Chỉ tính trong năm 2019, tỉnh Gia Lai đã thực hiện 17 sản phẩm OCOP gồm: gà nướng Tân Sơn, gạo Ba Chăm, bò một nắng, khoai lang Lệ Cần,… với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng. Năm 2020, tỉnh tiếp tục dự kiến xây dựng 34 sản phẩm OCOP đặc trưng như tiêu đen, tiêu sọ, xà phòng Dã Quỳ, mật nhân…
Mang Yang là một trong những địa phương nổi bật trong thực hiện OCOP với hai sản phẩm là gạo Ba Chăm (xã Đắk Trôi) và Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Lúa Ba Chăm là sản phẩm biệt đãi của thiên nhiên dành tặng cho đồng bào Bahnar ở huyện Mang Yang, đặc biệt là vùng đất Đăk Trôi.
Lúa Ba Chăm được đồng bào BahNar canh tác theo phương thức chọc trỉa, phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học... Chu kỳ sinh trưởng và phát triển của lúa Ba Chăm 8 tháng bắt đầu từ tháng ba, khi bước sang mùa khô Tây Nguyên, nước trong ruộng đã cạn là thời điểm lúa chín và cho thu hoạch. Điểm đặc biệt của giống lúa Ba Chăm là thân to, cao (những chân ruộng tốt, cây lúa cao gần bằng đầu người) có khả năng kháng bệnh tốt và hàm lượng dinh dưỡng cao. Gạo Ba Chăm nấu cơm dẻo, thơm, để lâu không thiu, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Lê Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết, xuất phát từ lợi ích của người nông dân, những người trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm có lợi thế so sánh, quan điểm của địa phương là huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ cho nông dân xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Trong năm 2019, huyện Mang Yang đã hỗ trợ cho sản phẩm gạo Ba Chăm ở xã Đăk Trôi định hình thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ gắn liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân vùng sâu Đăk Trôi.
Anh Vaih, xã Đăk Trôi chia sẻ, gia đình anh trồng hơn 1 sào lúa Ba Chăm, giống lúa này dễ trồng, ít tốn công và tiền đầu tư. Gạo Ba Chăm ngon nên nhiều người tìm mua, dễ bán lại được giá.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Chăn Gia Lai cho biết, nhận thấy giá trị của giống lúa này, Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện dự án phục tráng để tạo ra bộ giống thuần chủng nhất cho ra sản phẩm tốt nhất. Dự án được thực hiện trong 3 năm từ 2018-2020.
Đặc biệt, Công ty cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, nông dân triển khai xây dựng cánh đồng lớn 100 ha lúa Ba Chăm tại xã Đăk Trôi nhằm hình thành vùng nguyên liệu lúa tập trung giúp người dân thay đổi phương thức canh tác, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Công ty còn liên kết hỗ trợ cho nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm và xuất bán ra thị trường sản phẩm gạo thương hiệu Ba Chăm, ông Thanh cho biết thêm.
Ngoài thương hiệu gạo Ba Chăm, khoai lang Lệ Cần ở xã Tân Bình cũng là 1 trong 4 sản phẩm được huyện Đăk Đoa đề cử Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP cấp tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Khoai lang trồng trên vùng đất Lệ Cần có đặc trưng rất riêng so với các vùng đất khác là ruột vàng, vị ngọt thanh, bùi và có mùi thơm đặc trưng, một thời tạo nên thương hiệu khoai lang Lệ Cần nức tiếng.
Là một trong những nông dân điển hình trồng khoai lang Lệ Cần hàng chục năm nay, ông Nguyễn Trình ở thôn 3, xã Tân Bình cho biết, khoai lang Lệ Cần có mặt ở đây khoảng 60 năm rồi và giống khoai lang này rất đặc trưng, ruột vàng, ăn rất bùi và ngọt. Vì yêu thích và gắn bó với giống khoai lang này đã hàng chục năm nay nên gia đình ông quyết định thuê thêm đất để mở rộng diện tích lên 30 ha. Trong 3 năm (2016-2018), bình quân mỗi năm, gia đình ông thu được trên 200 tấn khoai (năng suất khoảng 8 tấn/ha), sau khi trừ chi phí đầu tư cho lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Theo ông Trình, so với các giống khoai lang khác, đặc biệt là khoai lang nhật, khoai lang Lệ Cần vẫn có ưu điểm vượt trội về chất lượng cũng như hương vị. Do đó, về lâu dài, ông mong muốn được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng các vùng chuyên canh theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tiến tới xây dựng thương hiệu khoai lang Lệ Cần và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
PGS.TS Trần Văn Ơn, Giảng viên cao cấp trường Đại học Dược Hà Nội, cố vấn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm quốc gia nhận định, Gia Lai rất có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, sản vật, danh lam thắng cảnh, văn hóa bản địa… để triển khai chương trình OCOP hiệu quả và mang lại lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, bởi nông nghiệp chỉ tạo ra nguyên liệu đầu vào và vẫn còn rất nhiều lĩnh vực khác như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch...
“Để phát triển tiềm năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai cần tổ chức hội nghị đánh giá và xác định sản phẩm xây dựng theo chương trình OCOP. Thực tế, các sản phẩm OCOP do người dân quyết định và bỏ vốn, Nhà nước sẽ hỗ trợ các phần mà người dân còn yếu, thiếu như cho vay vốn đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn, bao bì, mẫu mã, hay việc tiếp thị sản phẩm, đưa các sản phẩm từ người dân ra thị trường. Đặc biệt, người dân phải tin vào các sản phẩm của chính mình”, PGS.TS Trần Văn Ơn phân tích.
Bên cạnh những tiềm năng lợi thế trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Gia Lai đang đối mặt với những khó khăn đến từ hệ thống tổ chức OCOP từ tỉnh đến huyện do mới bước đầu được hình thành, còn thiếu và chưa chuyên nghiệp. Ngoài ra, phần lớn các xã đều ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn nên không thu hút được nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp vào khu vực nông thôn; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (gần 45%), trình độ dân trí thấp dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…