Giá dầu đi xuống trước mối lo sợ về "núi nợ" của Hy Lạp

Trong phiên giao dịch ngày 27/6, giá dầu trên thị trường châu Á đi xuống, trước mối lo ngại kéo dài về vấn đề "nợ nần" của Hy Lạp và quyết định tung ra thị trường 60 triệu thùng dầu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Chiều cùng ngày tại Sàn giao dịch điện tử Xingapo, giá dầu thô chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 8/2011 giảm 88 xu xuống 90,28 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 1,6 USD xuống 103,52 USD/thùng.

Ảnh: Internet

Ker Chung Yang, nhà phân tích thuộc hãng Phillip Futures, có trụ sở tại Xingapo, nhận định cuộc khủng hoảng nợ tại "xứ sở các Vị thần" và quyết định của IEA là hai nhân tố chính tác động lên giá dầu trong phiên này.

Tuần trước, IEA đã bất ngờ quyết định trong tháng tới sẽ rút ra 60 triệu thùng dầu trong kho dự trữ dầu chiến lược của 28 quốc gia thành viên để bù vào lượng cung dầu bị gián đoạn ở Libi.

Nhà phân tích Ker dự đoán giá dầu vẫn sẽ dễ biến động trong thời gian tới, trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về tình hình tài chính của Hy Lạp và đà phục hồi yếu của Mỹ. Trong một buổi phỏng vấn, Thủ tướng Áo, Werner Faymann, cảnh báo khả năng vỡ nỡ của Hy Lạp không thể bị loại bỏ.

Trong tuần này, Quốc hội Hy Lạp đang đối mặt với một "cuộc chiến", nhằm xóa bỏ những bất đồng về chương trình "thắt lưng buộc bụng" bổ sung, trong nỗ lực nhận được khoản cứu trợ mang tính "sống còn" từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Dự kiến, Quốc hội Hy Lạp sẽ bỏ phiếu thông qua kế hoạch chi tiêu khắc khổ này vào ngày 29/6 tới, nhằm tiết kiệm 28 tỷ euro (39,8 tỷ USD).


Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cảnh báo Hy Lạp sẽ không nhận được gói cứu trợ tiếp theo nếu kế hoạch này không được thông qua. Trong khi đó, các tổ chức công đoàn tại nước này đã kêu gọi tiến hành cuộc biểu tình kéo dài 48 giờ, để phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu mạnh tay của chính phủ. Giới phân tích bày tỏ quan ngại nguy cơ lây lan của cuộc khủng hoảng nợ tại "xứ sở các Vị thần" có thể tác động tiêu cực đến sự ổn định của lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Trong phiên này, giá "vàng đen" còn chịu sức ép đi xuống khi đồng USD mạnh lên so với đồng euro, khiến các hàng hóa định giá bằng đồng "bạc xanh" như dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.

Trà My
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN