G20 trước sứ mệnh cực kỳ khó khăn

Nhất trí thông qua Kế hoạch hành động toàn diện và dài hạn, trong đó có các biện pháp chống khủng hoảng ở châu Âu là điều được kỳ vọng tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), dự kiến diễn ra trong hai ngày 18 và 19/6 tới tại Los Cabos (Mêhicô).

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

 

Tổng thống Mêhicô Felipe Calderon ngày 14/6 cho biết: Nội dung chính của hội nghị G20 sắp tới sẽ tập trung vào việc thảo luận và đánh giá những thách thức của nền kinh tế toàn cầu và phác thảo kế hoạch hành động nhằm khôi phục ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới trong thời gian tới.

 

Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cùng ngày nói rằng, cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng khắp châu Âu với “tâm bão” là Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia và những nỗ lực củng cố “bức tường lửa” nhằm bảo vệ các nền kinh tế trong khu vực sẽ là những chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại hội nghị cấp cao G20 sắp tới.

 

Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo dự hội nghị G20 thể hiện niềm tin tưởng đối với châu Âu trong cuộc chiến của châu lục này chống khủng hoảng nợ công.

 

Tuy nhiên, Đức nhấn mạnh hội nghị G20 không nên chỉ tập trung vào cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng euro (Eurozone) mà nên mở rộng sang cả những vấn đề khác của kinh tế toàn cầu như tình hình ngân sách ở Mỹ, tính linh hoạt của đồng NDT hay những cải cách cơ cấu ở các thị trường mới nổi. Giới chức Đức cũng muốn hội nghị của G20 tách riêng việc thảo luận về nguồn tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và bất đồng trong vấn đề cải cách quyền bỏ phiếu của tổ chức này, điều đang gây chia rẽ giữa Đức và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

 

Báo “Bưu điện Oasinhtơn” ngày 14/6 cho rằng hội nghị thượng đỉnh “đứng trước những sứ mệnh cực kỳ khó khăn”, đó là làm thế nào để giúp đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại đà phát triển, và liệu có cần những gói cứu trợ lớn của các chính phủ để làm việc đó nữa hay không?

 

Theo bài báo, G20 đang phải đối mặt với một sự thật đáng thất vọng là sau 4 năm vật lộn với khủng hoảng, hàng nghìn tỷ USD của các chính phủ được đổ vào hệ thống các ngân hàng, nhưng nền kinh tế thế giới vẫn chưa đạt tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ, bền vững và cân đối. Bài báo đặt ra câu hỏi, hiện có phải là lúc tung thêm tiền hay không? Nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng kêu gọi các nguyên thủ G-20 có thêm các hành động quyết liệt hơn nhằm thúc đẩy phát triển và ngăn chặn nguy cơ kinh tế toàn cầu lại rơi vào suy thoái, bài báo viết.

 

 

H.H (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN