EU hy vọng đạt thỏa thuận với Hy Lạp sau những đề xuất mới

Dù cuộc họp ngày 22/6 của các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) ngay trước hội nghị thượng đỉnh bất thường của nhóm về tình hình Hy Lạp đã kết thúc mà không thu được kết quả nào, song những đề xuất mới mà Chính phủ Hy Lạp đưa ra cũng khiến các lãnh đạo châu Âu hy vọng sẽ đạt thỏa thuận vào cuối tuần này, cứu vãn đất nước khỏi nguy cơ vỡ nợ và rời khỏi Eurozone.

Sau hội nghị thượng đỉnh bất thường, lãnh đạo Eurozone đã yêu cầu các bộ trưởng tài chính nhóm họp lại vào ngày 24/6 để đánh giá những chi tiết nhượng bộ của thỏa thuận trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 25-26/6 tới.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trước phiên họp bất thường ở Brussels ngày 22/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo nguồn tin của các hãng thông tấn AFP và TASS, những đề xuất ngày 22/6 của Hy Lạp đã đáp ứng được tới 90% yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để đối lấy tiền vay. Cụ thể, Athens đồng ý áp thuế lũy tiến từ 0,7% đến 8% đối với thu nhập từ 12.000 euro đến trên 500.000 euro. Thuế giá trị gia tăng vốn là một trong những điểm bất đồng lớn nhất nay sẽ được Athens áp dụng từ 6 đến 23%, nhằm đạt mục tiêu tăng thu 1% vào ngân sách. Hy Lạp không đồng ý tăng một số loại thuế theo yêu cầu, song thay thế bằng cách tăng thuế suất cho pháp nhân, áp thêm một loại phí đặc biệt đối với doanh nghiệp có doanh thu cao, áp thuế xa hoa, giảm chi phí quốc phòng v.v.

Còn trong lĩnh vực lương hưu, Athens đồng ý thu hẹp diện được về hưu sớm, giữ nguyên độ tuổi về hưu 67 tuổi như trước.

Những đề xuất này đã được phía EU ban đầu đánh giá tích cực. Chủ tịch EU Donald Tusk cho biết đề xuất của Hy Lạp đã đưa được cuộc đàm phán tiến thêm một bước về phía thỏa thuận với các chủ nợ. Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đều tin tưởng vào cơ hội đạt thỏa thuận cuối cùng, thậm chí ngay trong tuần này.

Ông Juncker còn cung cấp thêm tín hiệu lạc quan khi tái khẳng định lại chương trình hỗ trợ đầu tư cho Hy Lạp trị giá 35 tỷ euro cho đến năm 2020. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde dù cảnh báo "còn nhiều việc phải làm", song ghi nhận đề xuất của Athens là bước khởi đầu tốt đẹp cho đàm phán tiếp theo đây.

Chủ tịch EU Tusk cho biết nhóm ba chủ nợ (gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) sẽ xem xét đề xuất của Hy Lạp ngay lập tức. Một đánh giá tích cực của họ vào cuối ngày 23/6 sẽ đưa Athens đến với khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro, đảm bảo khả năng thanh toán nợ nước ngoài vào ngày 30/6 cũng như thực hiện các chi trả trong nước.


TTXVN/Tin Tức
Eurozone bi quan về thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp
Eurozone bi quan về thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp

Cuộc họp của các bộ trưởng tài chính khu vực Eurozone về tình hình Hy Lạp đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN