Hiện nay, ngành giáo dục TP.HCM đang đưa ra Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3, bậc tiểu học. Theo đó, mỗi phụ huynh phải bỏ ra số tiền từ 3-5 triệu đồng để mua máy tính bảng cho con sử dụng trong lớp.
Ngay khi đề án được đưa ra, rất nhiều diễn đàn trên các báo online, trang web về gia đình đều bình luận phản đối. Hầu như chẳng ai tán thành. Vấn đề hiệu quả chưa biết ra sao nhưng trước mắt đã thấy nhiều bất cập.
Về sức khỏe, trẻ em nếu cho tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính có khả năng dễ bị cận thị. Theo kết quả điều tra của bệnh viện mắt TP.HCM công bố đầu năm 2004 thì tật cận thị học đường tại địa phương này đã gia tăng rất mạnh, ở cấp tiểu học là 9,03%. Người lớn, nhất là dân văn phòng ngồi làm việc trước màn hình máy tính to nhiều giờ đã thấy mỏi mắt (và nhiều người đã mắc bệnh về mắt) nói chi trẻ con nhìn vào máy tính bảng chỉ từ 7-9inch.
Về an toàn, cho trẻ em mang theo món đồ đắt tiền bên mình sẽ dễ trở thành đối tượng cho kẻ xấu dòm ngó. Điều ấy chẳng những dễ xảy ra mất của mà có thể nguy hiểm đến tính mạng học sinh.
Về kinh tế, đối với gia đình khá giả thì 3-5 triệu đồng chỉ là số tiền nhỏ. Nhưng đối với các bậc phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn thì không đơn giản chút nào. Đó là chưa nói đến chuyện máy tính bảng hư hỏng có thể phải chiếc bảng khác thay thế. Trẻ con vốn tinh nghịch lại chẳng quan tâm đến chuyện bảo vệ nên chiếc máy tính bảng nên dễ bị vỡ hỏng.
Về chuyên môn, đối với giáo viên trẻ thì việc tiếp cận công nghệ là chuyện dễ dàng. Nhưng với giáo viên lớn tuổi thì cực kì khó. Vì vậy phải mất thêm khoản phí, thời gian để đào tạo sử dụng máy tính bảng và các phần mềm về giáo khoa điện tử cho giáo viên lớn tuổi. Học sinh cũng phải như thế. Và việc tiếp cận công nghệ quá sớm có thể làm trẻ lười viết và viết chữ rất xấu…
Hiện nay, các nước hiện đại trên thế giới như Mỹ, khối EU vẫn để học sinh tiểu học phát triển theo cách tự nhiên, không cho công nghệ can thiệp sâu vào chuyện học tập. Việc đi trước các quốc gia ấy chứng tỏ chúng ta tiến bộ hơn hay quá liều lĩnh? Còn nhớ năm 2013, Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh chủ trương trang bị gần 1.000 bảng tương tác ở các trường mầm non và tiểu học với tổng kinh phí gần 180 tỉ đồng. Trong đó ngân sách 50%, còn lại các trường sẽ thu từ phụ huynh học sinh (HS) theo phương thức xã hội hóa… Tuy nhiên hiệu quả chẳng thấy đâu.
Đồng ý rằng công nghệ đóng vai trò quan trọng đối với con người nhưng không phải đối với trẻ nhỏ. Ở độ tuổi của bậc tiểu học, trẻ cần phát triển tự nhiên để hoàn thiện về mặt thể chất lẫn tinh thần. Việc học theo kiểu cũ giúp trẻ, tư duy, tự giác và thích khám phá hơn là ỷ lại. Vì vậy không nên cho công nghệ can thiệp vào việc học, bởi có thể trẻ sẽ biến thành một robot không có tư duy.
Đặng Trung Thành