Hệ thống giáo dục phổ thông của Mỹ chia làm 3 bậc gồm tiểu học, phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Hệ thống này có những quy định khác nhau tại các bang. Một số bang tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông trung học, nhưng phần lớn các bang thì không. Thay vào đó học sinh mỗi năm phải học cuốn chiếu từ 6 - 7 môn, trong đó có 2/3 là các môn bắt buộc và 1/3 là các môn tự chọn).
Để tốt nghiệp phổ thông trung học, tính từ lớp 9 đến lớp 12, học sinh phải tích lũy đủ số lượng tín chỉ theo quy định. Số lượng tín chỉ này được tích lũy qua các bài tập và kiểm tra hàng tuần và các bài kiểm tra cuối các kỳ (4 kỳ/năm).
Học sinh có tủ đồ riêng ở trường, học môn nào thì mang sách vở môn đó đến phòng học. |
Ở Mỹ không có khái niệm lưu ban. Học sinh nếu không qua được môn nào thì năm sau học lại môn đó. Tiến trình tích lũy tín chỉ sẽ chậm hơn (học sinh đó trong năm sau có thể phải lấy thêm môn hoặc phải học thêm vào dịp hè). Với cách tổ chức này, những học sinh xuất sắc có thể hoàn thành đủ tín chỉ sớm hơn, sau đó có thể chọn học các môn của chương trình đại học để khi lên đại học sẽ không phải học lại môn này nữa.
Vì trình độ khác nhau và mỗi em có sự lựa chọn khác nhau về môn học, nên ở Mỹ không có khái niệm lớp cụ thể. Do vậy đến giờ học mỗi em đến một phòng khác nhau, tùy theo môn mình đăng ký. Cũng do cách tổ chức này, các trường ở Mỹ đều có các tủ nhỏ dọc tường để học sinh bỏ cặp vào đó, tự khóa lại, học môn nào thì mang sách vở môn đó đến phòng học. Ở Mỹ, thái độ ở trong lớp và kết quả học hành từng môn học của học sinh được coi là “tài sản riêng”. Thầy giáo của môn đó chỉ thông báo và góp ý riêng cho phụ huynh từng em trong các cuộc gặp riêng vào cuối các kỳ.
Ở Mỹ cũng không tổ chức các kỳ thi đại học chung. Khi đã hoàn thành đủ tín chỉ cấp Phổ thông trung học, muốn vào đại học, ngoài điểm trung bình của các môn khi tốt nghịêp phổ thông trung học, học sinh còn phải viết các bài luận tự chọn, thi các môn SAT gồm Toán và Tiếng Anh và thi các môn tự chọn mà mình nắm chắc gọi là SAT - 2 (Toán, Lý hoặc Sử... tùy theo yêu cầu của các trường đại học và các ngành mình xin học) để được xét vào đại học.
Học sinh, tùy theo sắp xếp thời gian của mình, có thể đăng ký thi bất kỳ thời điểm nào và kết quả các môn thi này có giá trị trong vòng 1 năm. Để tạo thuận lợi cho học sinh, thành phố nào của Mỹ cũng có những trung tâm hoặc cơ sở chuyên làm chức năng tổ chức thi các môn, suốt trong năm. Học sinh có thể thi nhiều lần một môn và được quyền chọn kết quả điểm cao nhất để gửi cho các trường đại học. Các môn thi này thường được các em chọn thi vào dịp hè trước khi bước vào lớp 12 hoặc đầu năm lớp 12 vì việc nộp hồ sơ xin vào các trường đại học và cao đẳng của Mỹ thường kết thúc trước ngày 15/12 hàng năm.
Sau khi đã có kết quả các môn thi trên đây, để vào đại học, học sinh có thể gửi hồ sơ cho bao nhiêu trường đại học là tùy ý (4 trường được miễn phí, quá 4 trường thì nộp lệ phí từ 50 USD đến 80 USD). Một yếu tố quan trọng để các trường đại học hoặc cao đẳng xét hồ sơ của học sinh là các thư đánh giá nhận xét của các thầy cô giáo (recommendation). Học sinh được quyền nhờ các thầy cô viết thư nhận xét, dán tem và đề địa chỉ tên trường sẵn để các thầy cô gửi trực tiếp cho trường (học sinh không được quyền biết).
Tóm lại, vì học sinh được quyền tự chọn các môn học và cấp độ môn học của từng em khác nhau, nên cách tổ chức kết thúc các cấp học phổ thông và thi đại học ở Mỹ khá linh hoạt, các môn thi được tổ chức suốt trong năm, không có thời điểm cao trào. Tuy nhiên, việc tổ chức thi, quản lý và sử dụng kết quả các môn thi đều nằm trong sự quản lý thống nhất.
Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)