Ngày 26/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định chính phủ cũng như các cơ quan hữu quan Đức sẽ hỗ trợ hết sức có thể cho quá trình điều tra nguyên nhân vụ rơi chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Đức Germanwings, làm toàn bộ 150 người thiệt mạng.Cảnh sát tiến hành điều tra tại căn hộ của cơ phó ở thành phố Duesseldorf, Đức ngày 26/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, bà Merkel cho biết Đức cũng như nhiều nước khác chưa hết sốc và bàng hoàng về vụ tai nạn thảm khốc xảy ra với chuyến bay mang số hiệu 4U 9525 tại khu vực miền nam nước Pháp, thì lại nhận được những thông tin mới với chiều hướng vượt ngoài sức tưởng tượng. Bà dẫn các thông tin điều tra của giới chức Đức và Pháp, theo đó cơ phó người Đức đã cố tình phá hủy chiếc máy bay này. Hiện vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra để làm sáng tỏ mọi khía cạnh liên quan.
Trong khi đó, các nhà điều tra ở thành phố Düsseldorf (Đức) tối 26/3 đã tiến hành khám xét nơi ở của cơ phó Andreas Lubitz. Theo Cơ quan công tố thành phố Düsseldorf, việc điều tra, khám xét sẽ được tiến hành tại nhiều nơi nhằm thu thập các tài liệu, bằng chứng liên quan và quá trình này sẽ mất thời gian để có thể đưa ra đánh giá.
Liên đoàn Phi công Đức (VC) cho rằng báo cáo sơ bộ kết quả điều tra vụ tai nạn cho thấy vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ và quá trình điều tra cần có thêm thời gian để có kết luận. Theo VC, một số câu hỏi vẫn chưa được làm sáng tỏ như nguyên nhân máy bay hạ độ cao, lý do cơ phó không có phản ứng gì hay việc cơ trưởng không thể vào trong buồng lái.
Các nguồn tin an ninh mới nhất cho biết nhiều khả năng cơ trưởng đã phải dùng rìu để phá cửa thép ngăn khoang lái nhằm chặn thảm họa, song không đủ thời gian. Người phát ngôn Germanwings cũng xác nhận mỗi chiếc A320 đều được trang bị một chiếc rìu để sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Với những thông tin mới nhất liên quan vụ tai nạn nêu trên, hàng loạt hãng hàng không tại Đức và trên thế giới đã siết chặt an toàn bay và có những điều chỉnh đối với phi hành đoàn. Hiệp hội hàng không Đức (BDL) thông báo trong khoang lái các máy bay ở Đức sẽ luôn có hai phi công.
Trong trường hợp một người phải ra ngoài vì việc riêng, sẽ có một thành viên đội bay bên ngoài vào thay thế. Hãng hàng không Air Berlin của Đức đã bắt đầu áp dụng quy định này từ ngày 27/3. Trong khi các hãng như Malaysia Airlines, Air Canada, EasyJet, Ryanair và Norwegian Air Shuttle cũng thông báo áp dụng biện pháp này.
Cho tới lúc này, các nhà điều tra vẫn nghi ngờ cơ phó 28 tuổi có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong quá trình được đào tạo ở Lufthansa, Lubitz từng phải nghỉ ngắt quãng do bị "hội chứng kiệt sức nghề nghiệp" hoặc trầm uất, căn bệnh với ít nhất 500.000 người mắc phải ở Đức.
Cơ phó này từng bị Trường đào tạo bay của Lufthansa ở bang Arizona (Mỹ) đưa vào danh sách "không thể bay" do bị suy nhược, lo âu và sợ hãi. Thậm chí theo báo "Hình ảnh", Lubitz từng phải "chăm sóc y tế đều đặn và đặc biệt". Các ghi chép hồ sơ của người này tại Cục hàng không liên bang cũng cho thấy phi công người Đức có vấn đề về nghiêm trọng về tâm lý và phải được điều trị định kỳ.
Về các nạn nhân vụ tai nạn máy bay, Bộ Ngoại giao Đức đã xác nhận số công dân nước này trên chuyến bay là 75 người, trong đó có tới 64 người thuộc bang Nordrhein-Westfalen. Trong số nạn nhân Đức có 4 người mang hai quốc tịch (3 người cũng là công dân Kazakhstan và một người Nhật).
TTXVN/Tin tức