Đó là kỹ sư Trần Thanh Bình (ảnh), năm nay vừa tròn 36 tuổi, Trưởng phòng Công nghệ thông tin của Công ty Cao su Đắk Lắk. Anh cũng đã được vinh danh trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại lễ trao giải Nhân tài đất Việt năm 2010 tại Hà Nội, với sản phẩm “Xây dựng bộ gõ dân tộc Việt và ứng dụng bộ gõ thiết kế đa từ điển một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên”.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Toán - Tin tại Đại học Huế, kỹ sư trẻ Trần Thanh Bình khăn gói vào Đắk Lắk và trở thành giảng viên khoa Tin học, Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên.
Trong quá trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, anh đã nảy ra ý định viết một phần mềm có thể soạn giáo án bằng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ý định đó càng thôi thúc hơn trong những chuyến đi dạy nghề lưu động ngắn hạn tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Êđê, M’nông trên địa bàn tỉnh, anh nhận thấy hầu hết cán bộ xã đều gặp khó khăn trong việc đánh máy tên, tuổi, địa chỉ…của đồng bào dân tộc thiểu số khi làm các chứng thư, lưu giữ hồ sơ…
Trong suốt mấy năm liền, kỹ sư trẻ Trần Thanh Bình tiết kiệm chi tiêu, kể cả tiền lương dành mua sách để nghiên cứu, miệt mài tự lập trình bộ gõ VnKey. Không phụ công người, đến năm 2007, anh đã “trình làng” phiên bản đầu tiên của bộ gõ này.
Với tính năng dễ sử dụng, giúp soạn thảo văn bản 12 ngôn ngữ của đồng bào dân tộc như Êđê, Bana, M’nông, Sán chỉ, K’ho, J’rai… đồng thời hỗ trợ gõ 3 bảng mã tiếng Việt thông dụng là Unicode, TCVN3 và VNI-Win, bộ gõ VnKey đã được nhiều người trong cả nước sử dụng, được đánh giá cao sau khi giới thiệu trên các trang web, diễn đàn và được kỹ sư Trần Thanh Bình gửi tặng miễn phí cho người sử dụng.
Năm 2008, sản phẩm đoạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo khoa học cấp tỉnh và được Sở Khoa học Công nghệ Đắk Lắk hỗ trợ đăng ký quyền tác giả, sở hữu trí tuệ.
Sau nhiều lần hoàn thiện, đến nay, sản phẩm bộ gõ VnKey phiên bản 2010 của kỹ sư Trần Thanh Bình đã có thể chạy trên tất cả các thế hệ Windows (kể cả Windows Vista, Windows 7 bản 32 bit, 64 bit), trong khi đó dung lượng chỉ có 1,2 Mb (bao gồm cả phần trợ giúp), nhỏ hơn dung lượng một chiếc đĩa mềm.
Sau khi hoàn thành bộ gõ VnKey, kỹ sư Trần Thanh Bình tiếp tục bắt tay vào viết phần mềm từ điển Tây Nguyên. Đề tài này được kỹ sư Trần Thanh Bình triển khai từ năm 2009, với sự hỗ trợ của Tiến sĩ Y Ghi Niê, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và cùng các chuyên gia tư vấn về ngôn ngữ khác. Chỉ sau gần 1 năm, bộ từ điển ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số chủ lực ở Tây Nguyên đã hoàn thành.
Theo Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, đây là bộ từ điển có nhiều cái nhất: Từ điển có nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số nhất Việt Nam (gồm 4 ngôn ngữ là Êđê, M’nông, Bana, J’rai, với 41.000 mục từ), sản phẩm có tính hoàn thiện nhất, đặc biệt, đây là bộ gõ đa phương, đa số các mục từ đều có hình ảnh minh họa, những địa danh đều có diễn giải về lịch sử, giới thiệu sơ bộ về văn hóa của từng vùng đất Tây Nguyên trù phú, hùng vĩ này.
Ngoài ra, kỹ sư Trần Thanh Bình còn viết một số phần mềm đã được ứng dụng trong thực tế như: Mô hình dạy học lắp ráp máy tính bằng phần mềm (đoạt giải nhất trong cuộc thi thiết bị dạy nghề tự làm năm 2005), hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện (được ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa Trường Đại học Tây Nguyên và một số cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk), hệ thống quản lý điện cho các cơ sở kinh doanh điện… Hiện nay, kỹ sư Trần Thanh Bình đang ấp ủ nhiều dự định.
Trước mắt, sẽ tiếp tục tích hợp hệ thống ký tự của ngôn ngữ phi Latin (như ngôn ngữ dân tộc Thái, Chăm…) vào bộ gõ VnKey, cải tiến từ điển Tây Nguyên theo hướng xây dựng thành từ điển online để khi cần người sử dụng chỉ lên mạng tra cứu trực tuyến là có ngay.
Kỹ sư còn đầu tư xây dựng thêm từ điển song ngữ Êđê - Việt và tích hợp hệ thống phát âm (hiện nay mới phát âm tiếng Kinh), chương trình dịch thuật tiếng dân tộc thiểu số tự động… nhằm đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Quang Huy - Nam Thủy