Sau khi kết thúc “Dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Si La” ở bản Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), đời sống của đồng bào dân tộc Si La đã có những đổi thay đáng kể, đồng bào đã có một tiền đề vững chắc để phát triển trên mọi lĩnh vực.
Với diện tích tự nhiên khoảng 4.000 ha, bản Nậm Sin nằm cách trung tâm xã Chung Chải 16 km về phía Đông Nam, cách trung tâm huyện Mường Nhé (Điện Biên) khoảng 40 km. Năm 1973, một bộ phận đồng bào Si La tại xã Can Hồ (nay là huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) đã di cư đến đây rồi lập nên bản. Từ con số 35 hộ, hơn 170 nhân khẩu (năm 2004), đến nay số dân đã tăng lên trên 200 nhân khẩu.
Trước năm 2005, Nậm Sin được “mệnh danh” là bản “đa không”: Không cơ sở hạ tầng, không đường giao thông, không điện thắp sáng… Đến nguồn nước sinh hoạt, người dân nơi đây cũng phải ngày ngày tới con suối chạy dọc theo bản lấy nước về dùng.
Tập quán sản xuất của đồng bào Si La ở bản Nậm Sin vốn cũng rất lạc hậu, chủ yếu làm nương, rẫy mang tính tự cung, tự cấp. Do năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đạt thấp, lương thực làm ra không đủ cho sinh hoạt hàng ngày, nên cái đói, cái rét cứ bám riết lấy người dân nơi đây. “Bức tranh” kinh tế của đồng bào Si La ở bản Nậm Sin lúc đó thật ảm đạm: Thu nhập bình quân của bà con ở mức 60.000 - 70.000 đồng/người/tháng;100% nhà tạm làm bằng tranh, tre, nứa lá. Trường học được xây dựng năm 2001, nhưng chỉ là 2 phòng học cấp 4 (được đầu tư theo Chương trình 135) đã hư hỏng, xuống cấp. Mỗi khi ốm đau bệnh tật, đồng bào phải gánh gồng, lặn lội hàng chục km mới ra đến trạm xá hay trung tâm y tế huyện.
Quá khứ nghèo đói đó của đồng bào Si La ở Nậm Sin đã nhanh chóng được rũ bỏ kể từ năm 2005, khi thực hiện “Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Si La” được triển khai. Với nguồn kinh phí gần 20 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đời sống; chương trình chăm sóc sức khỏe; bảo tồn văn hóa… dự án đã đem lại những kết quả to lớn, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo tồn, phát huy bản sắc, văn hóa, giúp đồng bào dân tộc Si La vươn lên phát triển.
Kết thúc dự án năm 2010, người dân bản Nậm Sin đã làm chủ một cơ ngơi mà trước đây họ không dám “mơ”. Đó là công trình nước sinh hoạt tập trung quy mô gồm đập đầu mối, hệ thống ống kẽm dẫn nước tới 4 bể chứa có dung tích 10 m3/bể; công trình thủy lợi có năng lực tưới tiêu cho hơn 10 ha; trường học với 4 phòng và công trình phụ trợ, nhà ở cho giáo viên và trang thiết bị học tập; nhà mẫu giáo; nhà sinh hoạt cộng đồng có đầy đủ thiết bị tăng âm, ti vi, loa đài, góp phần đưa thông tin về cơ sở, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của bản.
Bên cạnh đó, người dân bản Nậm Sin cũng được hỗ trợ 600 triệu đồng khai hoang 4,5 ha ruộng nước; đào 33 ao với diện tích 1,2 ha; khai hoang 4 ha nương có bờ; mua 35 con trâu bò; xây dựng mô hình ươm cá giống, nuôi cá thịt. Và thế là từ chỗ chỉ biết chọc lỗ tra hạt trên nương, trên rẫy, vào rừng săn bắn, thu lượm, nay người dân Si La bản Nậm Sin đã biết canh tác lúa nước, trồng hoa mầu, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bầy đàn, đào ao nuôi cá... Tỷ lệ hộ nghèo nhờ đó đã giảm xuống còn 16%. Hiện bản có 9 lớp học và hầu hết trẻ em đến độ tuổi đều được đi học, trong đó mẫu giáo có 1 lớp 30 cháu; lớp 1 đến lớp 5 có 8 lớp với hơn 110 học sinh.
Ông Lỳ Hồng Sơn, Trưởng bản Nậm Sin, xã Chung Chải, chia sẻ: Nhờ có Dự án hỗ trợ mà Đảng, Nhà nước quan tâm dành cho dân tộc Si La, bản làng của chúng tôi đã thay đổi nhiều. Tuy còn khó khăn, nhưng đời sống kinh tế của người dân trong bản không còn đói khổ như trước nữa.
Dự án “Hỗ trợ, phát triển dân tộc Si La tỉnh Điện Biên” thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Si La nói riêng. Hiệu quả thiết thực của dự án mang lại không chỉ với đồng bào Si La, mà đồng bào sống quanh khu vực cũng được hưởng thụ dự án.
Ông Pờ Xè Chừ, Chủ tịch UBND xã Chung Chải |
Xuân Tiến-Hải An