Ông Vương Văn Choóng, ở xóm Rằng Rụng, xã Kéo Yên, huyện Hà Quảng buồn rầu cho biết: “Đợt rét vừa qua, gia đình tôi có một con trâu 20 tháng tuổi bị chết, bán cho thương lái được có 1 triệu đồng. Nếu nó sống thì có giá gần 15 triệu đồng. Đó là cả một tài sản lớn đối với tôi. Cả nhà cũng chỉ mong chờ sức kéo ở con trâu này để cày bừa cho vụ xuân này”.
Người dân ở Cao Bằng đã có ý thức hơn trong việc phòng chống rét cho gia súc. |
Trải qua những đợt rét vừa qua, xã Kéo Yên có 27 con gia súc bị chết. Trong đó có 16 con trâu, bò, lại rơi vào 15 hộ thuộc diện hộ nghèo. “Trâu, bò chết rét không nhiều so với các xã khác là do bà con đã biết che kín chuồng trại, dự trữ thức ăn khô. Nhưng do năm nay nhiệt độ xuống thấp hơn so với nhiều năm trước, nên gia súc già, non và yếu không có khả năng chống chịu với rét đậm và sương muối, đã bị chết. Chúng tôi đã lập danh sách những hộ bị thiệt hại, độ tuổi của gia súc gửi lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện ngay khi đợt rét kết thúc, nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo gì về việc hỗ trợ cho các gia đình có gia súc bị chết. Các hộ lên xã hỏi về hỗ trợ, chúng tôi cũng chỉ biết trả lời là đang chờ thông báo từ trên”, ông Lý Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Kéo cho biết.
Để chủ động cho việc làm đất vụ xuân khi mưa xuống, nhiều hộ không thể chờ nguồn hỗ trợ để mua trâu bò, nên đã làm hồ sơ vay tiền ngân hàng để mua trâu. Ông Chu Văn Thiện, một hộ nghèo ở xóm Pá Rản cho biết, đợt rét đậm, rét hại thứ 2 vừa qua con trâu của gia đình đã bị chết, còn lại con trâu mới 13 tháng tuổi chưa thể làm ruộng được. Ngay sau khi trâu chết, ông đã làm hồ sơ vay ngân hàng 20 triệu đồng để mua một con trâu khác thay thế để làm đất gieo trồng vụ xuân. “Con trâu này tôi mua được của một người họ hàng gần, chứ người ngoài họ có cũng không bán đâu”, ông Thiện cho biết.
Do rét đậm, một số con gia súc vẫn bị chết. |
“Đến nay đã có 4 hộ của xã vay được vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua trâu, bò làm sức kéo. Với địa hình khó khăn, đất ruộng nương xen lẫn đá, lại có độ dốc cao, nếu không sử dụng trâu bò làm đất thì không thể máy móc nào làm thay được. Tuy nhiên, để mua được con trâu, bò cày kéo được ngay cũng phải mất trên 20 triệu đồng, trong khi đó những hộ bị chết trâu bò lại toàn là hộ nghèo. Việc mua trâu bò bây giờ cũng không phải dễ, bởi trâu bò ở vùng cao này bị chết nhiều do rét, giá cả lại đội lên cao hơn nhiều so với hồi trong năm. Đã khó, nay lại càng khó khăn hơn. Họ đang rất mong chờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước để có thêm tiền mua được con trâu bò đủ sức cày kéo”, ông Lý Quốc Nam lo lắng.
Theo ông Nguyễn Sỹ Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng: “Ngay sau đợt rét, chúng tôi đã thành lập các đoàn công tác phối hợp với các xã đi kiểm tra, rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại gửi lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có phương án hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay huyện cũng chưa nhận được thông báo gì về việc hỗ trợ những hộ có gia súc bị chết do rét”, ông Nguyễn Sỹ Hành khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Dừa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, Sở đã tổng hợp xong số gia súc bị chết của tỉnh theo tháng tuổi để hỗ trợ. Tuy nhiên, là tỉnh nghèo, dựa hoàn toàn vào ngân sách Trung ương, nên Sở không có kinh phí để hỗ trợ những hộ có gia súc bị chết, đành phải chờ ngân sách trung ương.