Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Công văn số 27 của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, tại các chùa và phum sóc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng những ngày giáp Tết cổ truyền của đồng bào có thể nhận thấy sự chuẩn bị và kế hoạch tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây đảm bảo an toàn, vui tươi, hạnh phúc.
Những ngày qua, các thành viên trong gia đình anh Thạch Minh Dương ở xóm Bâng Khoai, ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) hạn chế ra đường, trừ những lúc đi mua nhu yếu phẩm. Do nhà nuôi bò sữa nên cả ngày bận rộn với những công việc như cắt cỏ, dọn dẹp chuồng trại, vắt sữa bò... nên hầu như cả ngày hai vợ chồng anh đều ở nhà, chỉ ra khỏi nhà lúc đem sữa bò đến điểm thu mua. Vợ chồng anh và các con đều đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà, vừa để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân, vừa để chung tay phòng chống dịch COVID-19.
Anh Thạch Minh Dương cho biết, Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay anh sẽ tổ chức tại nhà, hạn chế tiếp xúc chỗ đông người. Các phần nghi lễ anh làm gọn nhẹ, cơm nước dâng lên sư sãi thì nhờ các Mê Vên (tổ trưởng) của phum sóc dâng lên giùm. Anh em, bạn bè cũng không gặp mặt nhau như trước mà chúc mừng nhau qua tin nhắn. Qua dịch COVID-19, mọi người sẽ gặp gỡ sau.
Những ngày cận Tết, ghi nhận tại các phum sóc có đông đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, hầu hết bà con đều ở tại nhà, rất hạn chế việc đi ra ngoài. Nhiều gia đình có con cháu đi làm ăn xa ở Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh... cũng căn dặn người nhà không về quê mà hãy ở lại làm việc, đợi qua dịch rồi hãy về sau.
Bà Trà Thị Siêl ở xã Thạnh Quới (huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ: Ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, con cháu về đông đủ thì gia đình rất vui nhưng năm nay, tôi dặn các con đang làm việc ở Bình Dương không được về, hết dịch rồi về sau. Mấy ngày Tết tới cũng chỉ cúng tại nhà là chính, còn cơm nước dâng lên sư sãi thì nhờ mấy vị trong bổn chùa đem lên giùm. Vừa có được cái Tết, vừa yên tâm cho sức khỏe trong mùa dịch.
Thượng tọa Thạch Bonl, Trụ trì chùa Preah Buôn Preah Phek, xã Phú Tân (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) cho biết: Thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 03 của UBND tỉnh và và Công văn số 27 của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, nhà chùa đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đến các phật tử tại bổn sóc. Qua đó, người dân cũng tự nâng cao ý thức và hạn chế đến chùa để tránh tụ tập đông người.
Xác định tầm quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên năm nay, chùa Bốn Mặt cùng các điểm chùa khác trên địa bàn huyện Châu Thành sẽ thực hiện các nghi lễ đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây đơn giản hơn. Thượng tọa Thạch Bonl cho biết thêm, năm nay chùa Preah Buôn Preah Phek không tổ chức lễ đắp núi cát, việc tắm tượng Phật đã được thực hiện sớm và chỉ làm tượng trưng để tránh tụ tập đông người. Các nghi lễ khác cũng thực hiện đơn giản để tránh tụ tập đông người.
Còn tại huyện miền biển thị xã Vĩnh Châu, việc chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm nay cũng diễn ra đơn giản, an toàn để chung tay cùng phòng, chống COVID-19. Theo đó, tại các chùa, phum sóc, việc đón Tết Chôl Chnăm Thmây được tổ chức với quy mô nhỏ, chủ yếu trong phạm vi gia đình, không tổ chức tiệc tùng, liên hoan linh đình và không tham gia các nghi lễ tại chùa.
Bà Huỳnh Thị Út ở ấp Prey Chop, xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu) chia sẻ: Năm mới, ai cũng muốn đi lễ chùa nhưng để an toàn cho bản thân, họ hàng trong phum sóc nên tôi ở nhà, vừa hoàn thành bổn đạo của người Phật tử, vừa tuân thủ khuyến cáo của chính quyền. Hết dịch thì mình đến chùa làm phước sau cũng được.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lai Hòa Võ Hoàng Nam, Lai Hòa là địa phương có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, là địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng, lại giáp với tỉnh bạn Bạc Liêu nên công tác đảm bảo an toàn cho đồng bào, phật tử trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây được lãnh đạo UBND xã hết sức quan tâm, chú trọng. Theo đó, địa phương đã tăng cường việc tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer tại địa phương hạn chế tập trung ở các khu vực đông người. Việc tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay nên theo hộ gia đình, thực hiện tốt theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03 của Chủ tịch UBND tỉnh và Công văn số 27 của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, để góp phần phòng, chống dịch COVID-19.
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước với trên 400.000 người, chiếm 30% dân số của tỉnh. Theo truyền thống, trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, đồng bào ở các phum sóc sẽ tề tựu về các chùa để dâng cơm nhằm hồi hướng quả phúc đến tổ tiên, tiến hành các hoạt động phật sự ở chùa như đón chư thiên năm mới, đắp núi cát, lễ cầu siêu... Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong dịp Tết cổ truyền này, với sự quyết tâm của ngành chức năng, các đoàn thể, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, đặc biệt là sự tự ý thức và chung tay từ phía đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh Sóc Trăng, những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây 2020 sẽ diễn ra an toàn, ấm cúng, vui tươi và hạnh phúc.
Đồng bào Khmer ở Hậu Giang đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, an toàn trong mùa dịch COVID-19
* Đến chùa Khemara Pa Phe, ấp 5, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) trong những ngày cận kề Tết Chôl Chnăm Thmây, không khí khá yên bình, không đông đúc do các hộ đồng bào Khmer hạn chế tập trung đông người. Vào các năm trước, cứ đến thời gian cận Tết, các phật tử, đồng bào Khmer sẽ tập trung lại để vệ sinh chùa chiền chuẩn bị đón năm mới, nhưng năm nay, việc vệ sinh chùa chuẩn bị đón Tết đều được thực hiện bởi các sư sãi.
Sư Thạch Bal, Trụ trì chùa Khemara Pa Phe cho biết, Tết Chôl Chnăm Thmây 2020 diễn ra từ ngày 14 - 16/4. Các năm trước, vào những ngày gần Tết Chôl Chnăm Thmây, xóm làng trở nên nhộn nhịp, nhà chùa trang trí đẹp đẽ nhưng năm nay chỉ dọn dẹp chánh điện, trang trí một số nơi trong chùa để đón giao thừa. Trong những ngày Tết, nhà chùa sẽ hạn chế phật tử, người dân đến chùa làm lễ, đảm bảo giữ khoảng cách an toàn.
Để đảm bảo không tập trung đông người trong khuôn viên chùa, nhà chùa sẽ bố trí một hoặc hai người ở lại hướng dẫn người dân đến chùa cúng dường; chuẩn bị nước rửa tay và đề nghị người dân mang khẩu trang nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan, sư Thạch Bal cho biết thêm.
Đối với các hộ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 nên dù không rộn ràng như các năm trước nhưng bà con vẫn chuẩn bị đón Tết với tinh thần đoàn kết, vui tươi, giữ được những nét truyền thống đặc sắc của ngày Tết Chôl Chnăm Thmây.
Ông Lâm Sơn, ấp 5, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy chia sẻ, để tự bảo vệ sức khỏe, bản thân ông cũng như gia đình chấp hành chủ trương của Nhà nước, không tập trung đông người và đeo khẩu trang khi ra ngoài. Vào Tết Chôl Chnăm Thmây, người dân thường tập trung rất đông tại chùa, đồng thời cũng qua lại chúc Tết nhau nhưng trong tình hình dịch bệnh hiện nay bà con sẽ hạn chế tiếp xúc.
“Mặc dù không tập trung tổ chức các hoạt động tại chùa nhưng bà con cũng vẫn thực hiện lễ tắm Phật tại nhà, tắm cho ông bà, cha mẹ để thể hiện nét văn hóa, truyền thống đặc sắc của dân tộc Khmer trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây”, ông Sơn nói thêm.
Tỉnh Hậu Giang hiện có trên 26.000 đồng bào dân tộc Khmer (chiếm hơn 3% dân số của tỉnh) và 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu trụ trì và Ban quản trị các chùa không tập trung đông người và rút ngắn thời gian các hoạt động như lễ rước đại lịch, lễ cầu siêu; tổ chức dâng cơm diễn ra nhanh, gọn; không kinh doanh, buôn bán trong khuôn viên chùa…
Theo ông Đồng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, tỉnh thống nhất không tổ chức họp mặt các vị sư sãi, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, người có công, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ban Dân tộc liên hệ với các đơn vị, trụ trì các chùa Khmer và các địa phương để hỗ trợ quà Tết cho các đối tượng sinh viên, học sinh là người dân tộc Khmer, các vị sư sãi, cán bộ hưu trí, hộ gia đình chính sách, người có công, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh thống nhất cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động là người dân tộc Khmer nghỉ Tết từ ngày 14/4 đến hết ngày 16/4. Ban Dân tộc tỉnh chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các hoạt động đúng quy định, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người theo tinh thần chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Trung ương và của tỉnh.