Đồng bào Khmer An Giang đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, an toàn trong mùa dịch

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2020 của đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang nói riêng và vùng Tây Nam Bộ nói chung sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 13 - 16/4.

Chú thích ảnh
 Đại tá Lâm Thành Sol, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang, chúc mừng Tết Chôl Chnăm Thmây tại chùa Thơm Mít, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên. 

Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tỉnh An Giang đã lên kế hoạch tổ chức đón Tết cho đồng bào Khmer vừa giữ được nét văn hóa truyền thống, vừa đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, để bà con Khmer đón Tết cổ truyền giản đơn nhưng thật sự vui tươi, an toàn.

Ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết: tỉnh An Giang có khoảng 87.000 người dân tộc Khmer, chiếm 4,57% tổng dân số toàn tỉnh. Người Khmer sống tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên; rải rác ở các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn.

Để chuẩn bị tổ chức cho đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 đang ở giai đoạn mang tính chất quyết định, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã có văn bản gửi đến các chức sắc, trụ trì cùng tăng ni, phật tử và bà con thực hiện vui Tết đầm ấm nhưng không tổ chức quy mô, đông người.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang không tổ chức các đoàn đến thăm, chúc mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây tại 66 chùa Nam Tông Khmer và những Người có uy tín là đồng bào Khmer trên địa bàn toàn tỉnh như mọi năm mà giao UBND các huyện tổ chức thăm, chúc mừng trên cơ sở gọn nhẹ, không tập trung đông người.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã trích ngân sách hỗ trợ các gia đình chính sách người Khmer 500.000 đồng/hộ; hộ nghèo, hộ cận nghèo người Khmer 300.000 đồng/hộ để đảm bảo tất cả bà con đều có Tết.

Theo ông Men Pholly, Tết Chôl Chnăm Thmây được xem là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer. Phần lớn, Tết được diễn ra tại chùa với nhiều nghi thức tín ngưỡng Phật giáo hệ Nam tông gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biễn phức tạp, Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay của đồng bào Khmer An Giang sẽ không diễn ra tưng bừng như những năm trước.

“Việc có nhiều người tập trung dự lễ tại chùa sẽ gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay là vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, cấp và đặc biệt là tinh thần cộng đồng trách nhiệm của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh”- ông Men Pholly khẳng định.  

Đồng lòng cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19, những ngày này, đồng bào Khmer huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh An Giang. Bà con Khmer trên địa bàn huyện Tịnh Biên không tổ chức Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây đông vui như mọi năm mà thực hiện các nghi lễ ở nhà nhằm giảm tụ tập đông người.

Hòa thượng Chau Cắt, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang, Trụ trì Chùa Mỹ Á, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho biết: Năm nay, Tết cổ truyền Chôl Thnăm Thmây diễn ra đúng thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang đã yêu cầu bà con không nên tụ tập đông người tại các chùa để tránh lây bệnh. Các chùa Nam tông Khmer đã thông báo với bà con tổ chức đón Tết nhỏ, gọn trong gia đình, không đến chùa đông người vì như vậy sẽ dễ lây bệnh.

“Nhà chùa đã thông báo đến Phật tử về việc sắp xếp, tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay không có các phần trò chơi dân gian, văn nghệ... Khi người dân đến thắp nhang, chùa sẽ bố trí hợp lý, gọn nhẹ nhất, để đảm bảo sức khỏe, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng” - Hòa thượng Chau Cắt nhấn mạnh.

Ông Chau Chung, ngụ tại ấp Mỹ Á, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang chia sẻ, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay diễn ra trong thời điểm dịch bệnh. Ngoài việc chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết theo đúng truyền thống của dân tộc để phục vụ trong gia đình, ông cũng như nhiều bà con khác trong các phum, sóc sẽ hạn chế tham gia các hoạt động lễ hội và ít đi cúng viếng ở chùa để tránh tụ tập đông người. Bên cạnh đó, ông còn tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình tích cực vệ sinh môi trường, thực hiện các phương pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế, nhằm góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh nơi cộng đồng dân cư.

Với tinh thần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết: Là một huyện biên giới, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, để bà con vui Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây an toàn, Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn cùng chính quyền địa phương và các đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Ban Quản trị các chùa Khmer và đồng bào Khmer trên địa bàn huyện chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về các giải pháp quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các nghi lễ tôn giáo, các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian tập trung đông người tại các cơ sở tôn giáo, thờ tự được dừng triệt để.

Tỉnh vận động các chùa tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây gọn nhẹ nhất; đối với đồng bào Khmer nên đón Tết tại nhà, hạn chế đi lễ tại chùa, tránh tụ tập đông người nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.

Cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn hết sức quan trọng, với sự vào cuộc kịp thời, khẩn trương của các cấp chính quyền địa phương, cùng với sự đồng lòng của các chùa, sư, sãi và ý thức cộng đồng trách nhiệm của đồng bào Khmer sẽ góp phần cùng với tỉnh An Giang và cả nước phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất.

Tin, ảnh: Công Mạo (TTXVN)
Đồng bào Khmer Sóc Trăng đón Tết Chôl Chnăm Thmây trong niềm vui lớn
Đồng bào Khmer Sóc Trăng đón Tết Chôl Chnăm Thmây trong niềm vui lớn

Cuộc sống ấm no thấy rõ từng ngày, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng phấn khởi, vui tươi đón năm mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN