Từ lâu nay, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới luôn nhộn nhịp vào dịp cuối năm. Địa điểm chủ yếu để đổi tiền là trước cổng các đình, chùa và tại các chợ đổi tiền như Đinh Lễ, Phủ Tây Hồ... Tại đây, người đổi tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ vẫn phải chịu cảnh đổi tiền với mức chênh lệch lớn.
Tại đoạn đầu phố Đinh Lễ (giao với phố Đinh Tiên Hoàng), lúc nào qua đây cũng có thể bắt gặp những người đổi tiền tự do. Phố buôn tiền lẻ này hoạt động quanh năm, không chỉ đổi tiền lẻ, tiền mới, tiền xu mà còn mua bán ngoại tệ. Phố buôn tiền đặc biệt nhộn nhịp vào những ngày cuối năm khi nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới tăng mạnh. Còn trong năm, họ chủ yếu mua bán ngoại tệ.
Những người làm dịch vụ đổi tiền lẻ ăn lãi khá “dày”. Ảnh: Lê Phú |
Theo tìm hiểu của PV Tin Tức, tiền mệnh giá càng nhỏ thì mức thu chênh lệch càng lớn. Cũng như mọi năm, năm nay đối với những loại tiền có mệnh giá lớn như 5.000 - 10.000 đồng thì tỷ lệ là 10 đổi 8, tức là 100.000 đồng thì đổi được 80.000 đồng. Đối với tiền mệnh giá nhỏ hơn thì mức chênh lệch cao hơn, tiền 500 đồng thì tỷ lệ là 10 được 7, tức là nếu đổi 100.000 đồng thì được 70.000 đồng.
Không “nhộn nhịp” như ở phố Đinh Lễ nhưng tại các cổng chùa, phủ nào cũng có ít nhất vài ba người bán vàng mã kiêm đổi tiền lẻ, chủ yếu đổi trong các dịp ngày rằm, mùng một và dịp cuối năm. Nếu đổi tại đây, mức chênh lệch sẽ cao hơn Đinh Lễ. Theo một người bán vàng mã kiêm đổi tiền trước cửa chùa Quán Sứ (Hà Nội), nếu đổi tiền 500-1.000 đồng thì mức chênh lệch là 10 “ăn” 6,5 - 7 (tức là đổi 10.000 đồng thì được 6.500 - 7.000 đồng tiền mệnh giá 500 đồng), tùy vào tiền mới hay cũ. Còn các loại tiền lớn hơn, giá quy đổi là 10 “ăn” 8.
Theo một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, về nguồn tiền mới cuối năm, các ngân hàng thương mại sẽ đăng ký xin phân bổ tiền với Ngân hàng Nhà nước. Việc cấp tiền lẻ, tiền mới cho các ngân hàng thương mại vào dịp cuối năm là việc làm thường xuyên và được lập kế hoạch từ trước. Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị tốt cả về cơ cấu và mệnh giá.
Theo một lãnh đạo của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, sau khi được phân bổ, bộ phận kho quỹ của các ngân hàng sẽ phân bổ lại cho các chi nhánh, phòng giao dịch. Các phòng giao dịch hay chi nhánh sẽ tự quyết định đổi tiền như thế nào và số lượng bao nhiêu cho người dân. "Về lý thuyết, người dân có thể đến đổi tiền ở bất cứ chi nhánh, phòng giao dịch nào của tất cả các ngân hàng thương mại. Nhưng trên thực tế, các ngân hàng thương mại khi có tiền mới về sẽ phân bổ cho các chi nhánh, các chi nhánh sẽ có các chính sách riêng của mình. Họ sẽ ưu tiên cho các khách hàng truyền thống đổi tiền, để giữ mối quan hệ. Sau đó đến cán bộ, công nhân viên sẽ được ưu tiên. Tuy nhiên, đến nay, tiền mới chưa về" - vị lãnh đạo này cho biết.
Theo một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, về nguồn tiền mới cuối năm, các ngân hàng thương mại sẽ đăng ký xin phân bổ tiền với Ngân hàng Nhà nước. Việc cấp tiền lẻ, tiền mới cho các ngân hàng thương mại vào dịp cuối năm là việc làm thường xuyên và được lập kế hoạch từ trước. Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị tốt cả về cơ cấu và mệnh giá.
Hữu Vinh