Nhiều năm về trước, xã Bồ Lý là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Vài năm trở lại đây, hiệu quả từ trồng cây na dai đã góp phần quan trọng làm thay đổi cơ bản diện mạo của xã. Cây na dai nhanh chóng mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành cây hàng hóa chủ lực của xã, góp phần xóa đói giảm nghèo và từng bước đưa người dân ở vùng đất còn nhiều khó khăn này trở thành "triệu phú". Cũng như nhiều hộ khác ở xã Bồ Lý, cây na dai là nguồn thu chính của gia đình ông Bùi Huy Hùng. Từ bãi đất đồi cằn cỗi, nhờ bàn tay chăm chỉ, cần mẫn của gia đình ông, giờ đây bãi đất được phủ kín bằng màu xanh của những trái na thơm mát.
Gia đình chị Phạm Thị Sáu đang chăm sóc vườn na của gia đình. |
Ông Hùng chia sẻ: Hàng ngày, vợ chồng ông cùng các con phải dậy từ 4 - 5 giờ sáng, để hái na kịp bán cho các thương lái về mua ngay tại vườn. Những năm trước, việc thu hái của gia đình ông tập trung trong khoảng 1 tháng, nhưng năm nay sẽ kéo dài hơn khi ông áp dụng kỹ thuật cắt tỉa cành, thụ phấn nhân tạo và bón phân, chăm sóc nên cây na cho quả thành hai đợt rõ rệt. Ông Hùng cho biết thêm: “Hiện gia đình có hơn 1ha, từ đầu vụ đến nay đã bán được trên chục tấn quả. Có ngày na chín rộ, gia đình thu hoạch bán được hơn chục triệu đồng. Đầu vụ, na loại 1 bán được 40 - 50.000 đồng/kg, thời điểm rộ nhất vẫn bán được 30.000 đồng/kg.
Nhẩm tính sơ bộ đợt quả này cũng thu lãi gần 100 triệu đồng”. Ông Hùng chính là người đầu tiên có công đưa cây na về đất Bồ Lý. Tình cờ ông Hùng được một người bạn ở Hà Tây tới chơi và cho vài cân na làm quà, sau đó ông lấy hạt ươm giống để trồng. Những cây na cứ thế phát triển nhanh, phù hợp với chất đất cát pha và khí hậu mát mẻ ở đây. Chỉ sau 2 năm trồng, cây na đã bắt đầu cho quả, đặc biệt quả nào cũng to, đẹp, chất lượng thơm ngon hơn ở những vùng khác.
Từ hơn chục cây na trồng ban đầu mà gia đình ông Hùng ăn không hết, gia đình ông đem ra chợ bán thì nhận thấy được mọi người ưa thích, dễ bán lại được giá. Thấy cây na dễ trồng lại có hiệu quả kinh tế, gia đình ông Hùng tiếp tục nhân rộng vườn na, đến nay diện tích vườn na của gia đình ông đã được nhân rộng lên thành hơn 1ha. Do đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu nên quả na Bồ Lý có tiếng về chất lượng nên nhiều khách hàng, thương lái ở các địa phương khác đã tìm lên tận nhà để thu mua.
Học tập gia đình ông Hùng, các gia đình khác trong xã cũng bắt đầu trồng na và đều có thu nhập khá, cây na cứ thế phát triển ra diện rộng và trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân Bồ Lý.