Một thầy Tào đang khấn lễ bằng chữ Nôm Tày.
|
Đây là một hình thức diễn xướng dân gian mang đậm tính chất nghi lễ nghề nghiệp, liên quan đến việc hành nghề của thầy Tào. Thông qua quy trình thực hành lễ cấp sắc cho thầy Tào đã thể hiện rõ những giá trị văn hóa nghệ thuật, bản sắc độc đáo của người Tày; đồng thời cho thấy tinh thần đoàn kết, gắn bó của các thành viên trong gia đình, dòng họ.
Ở Bắc Kạn, dân tộc Tày cư trú khá lâu đời, chiếm hơn 50% dân số toàn tỉnh. Người Tày có mặt ở hầu hết ở 122 xã thuộc 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Đời sống văn hoá của dân tộc Tày phong phú và đa dạng.
Trong các hình thức tín ngưỡng dân gian của người Tày, Tào là tên gọi của một hình thức cúng bái do người nam giới thực hiện có từ lâu đời. Công việc chính của thầy Tào là chủ trì các đám tang, các hoạt động tế tự lớn và thực hiện các nghi lễ khác như: trừ tà, trục quỷ, cầu an, chọn ngày dựng nhà ... và đặc biệt đóng vai trò chủ trì chính khi thực hiện các thủ tục trong lễ cấp sắc.
Căn cứ vào trang phục khi hành lễ có thể tạm phân biệt thành hai loại là Tào Lài và Tào Săng. Trang phục hành lễ của Tào Săng là áo choàng một màu, kiểu áo cà sa còn trang phục hành lễ của Tào Lài thì thêu hoa văn nhiều màu sặc sỡ.
Nghề thầy Tào chủ yếu được truyền theo gia đình, dòng họ, cũng có một số ít thầy Tào vào nghề là do tự nguyện. Quá trình thực hành nghi lễ phải sử dụng sách chữ Hán nên người làm nghề thầy Tào phải biết đọc thông viết thạo chữ Hán. Khi đã đáp ứng được đầy đủ các điều kiện thì đệ tử có thể làm lễ thụ nghề hay còn gọi là lễ cấp sắc.
Nghi lễ cấp sắc lần đầu tiên cho một đệ tử là minh chứng để cho một người có căn duyên hành nghề này được chứng nhận đủ khả năng để tiến hành các nghi lễ cúng bái trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Tùy quy định của từng địa phương mà số lần làm lễ cấp sắc tương đương với cấp bậc được cấp để hành nghề.
Qua sưu tầm tư liệu tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, lễ cấp sắc cho thầy Tào có tất cả 4 lần tương đương với 4 bậc: Nghi lễ cấp sắc lần đầu là cấp chức Ngũ phẩm chi phủ (tương đương quan cấp thôn) ; lần thứ hai là cấp chức quan Tứ phẩm (tương đương quan cấp xã); lần thứ ba là cấp chức Tam phẩm thống đốc (tương đương quan cấp huyện); nghi lễ cấp sắc lần cuối cùng là cấp chức Nhị phẩm (tương đương quan cấp tỉnh).
Theo quan niệm của tổ tiên trong nghề truyền lại, sau mỗi lần thăng chức thì thầy Tào sẽ có quyền lực cao hơn, số lượng binh mã được cai quản để phụ giúp các thầy trong quá trình hành lễ nhiều hơn.
Gia đình ông Lê Công Hiệp ở thôn Nà Vả, xã Quang Phong, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đã có 4 đời làm thầy Tào. Bản thân ông hiện đã được cấp sắc đến chức Tam phẩm thống đốc. Một yêu cầu rất quan trọng để có thể tiến hành lễ tăng sắc đó là phải tìm thầy Tào có chức sắc cao hơn chức sắc hiện tại của mình để cấp cho mình. Ngoài những điều kiện trên thì gia đình phải có sự chuẩn bị đầy đủ.
Ông Lê Công Hiệp cho biết: Thời gian làm lễ cấp sắc được ấn định phụ thuộc vào thầy Tào xem và chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ. Ngày làm lễ phải là ngày hợp với tuổi của người được cấp sắc.
Theo truyền thống, lễ cấp sắc diễn ra trong 3 ngày hai đêm nhưng hiện nay giảm xuống còn 2 ngày 1 đêm. Để tiến hành lễ cấp sắc, việc chuẩn bị lễ vật là vô cùng quan trọng. Gia chủ cần chuẩn bị lễ vật phục vụ cho nghi lễ và lễ vật cho thầy Tào, thầy Pụt mang về sau khi kết thúc nghi lễ.
Tùy thuộc vào điều kiện của gia đình, lễ vật cần chuẩn bị gồm có: 4 - 6 con gà luộc, 2 con gà sống với ý nghĩa đi dẫn đường cho đoàn binh mã, 1 con vịt sống với ý nghĩa để vận chuyển những vận hạn, điều không may mắn trong gia đình gia chủ đi ra sông, ra biển, 1 con lợn, 1 con dê, 6 - 10 kg gạo chia đều ra 3 mâm cúng.
Mỗi mâm cúng 1-2 chai rượu nếp, bánh dày, bỏng ngô, hoa quả, bánh kẹo, vàng hương, vải hồng, hoa chuối đỏ, cây mía, các loại hoa thơm trên rừng. Tùy theo bên Tào, bàn Pụt mà các thầy chuẩn bị đồ mã và các lễ vật khác để phục vụ cho nghi lễ như: cắt hình nhân, binh mã, chuẩn bị lầu, lừa... mỗi lễ vật mang một ý nghĩa tượng trưng khác nhau.
Để tiến hành lễ cấp sắc cho thầy Tào cần có sự phối hợp hành lễ của thầy Tào và thầy Pụt. Thầy Tào cả giữ vai trò chủ trì, chịu trách nhiệm chính gọi là Pỏ slay và một thầy Pụt phối hợp với thầy Tào tiến hành nghi lễ gọi là Mẻ slay. Thầy Tào giữ vị trí quan trọng, là người có quyền ra quyết định cấp sắc, giao ấn, dụng cụ hành nghề cho người được cấp sắc.
Nhiệm vụ chính của thầy Pụt là cai quản binh mã tiến hành nghi lễ đưa lễ vật của đệ tử để dâng nộp đến các cửa thần linh. Nhiệm vụ của các thầy phụ giúp việc cho Pỏ slay và Mẻ slay là đánh trống, sóc nhạc, thực hiện động tác múa Pây cang, chuẩn bị các đồ mã, đồ lễ liên quan tại từng nghi lễ nhỏ diễn ra trong lễ cấp sắc.
Không gian tổ chức lễ cấp sắc chủ yếu diễn ra trong phạm vi của ngôi nhà sàn và một địa điểm ở ngoài trời. Trước ngày diễn ra đại lễ, gia đình người được tăng sắc cử người đi đón các thầy. Buổi sáng ngày đầu tiên, các thầy cúng và những người giúp việc chuẩn bị lập đàn cúng lễ, bài trí các vật dụng phục vụ nghi lễ... Đàn cúng của thầy Tào và thầy Pụt được bài trí cầu kỳ kỹ lưỡng ở bên trái phía bên phải của ngôi nhà sàn.
Sau khi công tác chuẩn bị hoàn tất, thầy Tào, thầy Pụt, người phục vụ... ngồi vào vị trí tại đàn cúng của mình, nàng hương thắp hương lên các bát hương, nghi lễ. Kết thúc nghi lễ, gia chủ chuẩn bị mâm cỗ để mời các thầy đã thực hiện thành công lễ cấp sắc và mời anh em họ hàng, bạn bè, làng xóm đến chúc mừng cho ngày vui của gia đình.
Giá trị nổi bật trong lễ cấp sắc Tào là giá trị về nghệ thuật biểu diễn, diễn xướng. Thông qua các khoa cúng của thầy Tào và thầy Pụt, cộng với các cuộc giao lưu giữa các thầy cúng với nhau và giữa thầy cúng với người tham dự, lễ cấp sắc diễn ra như một màn trình diễn sân khấu tâm linh hấp dẫn và đậm đà bản sắc dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết, so với trước, nghi lễ của Tào nói chung và lễ cấp sắc nói riêng đã có những thay đổi để phù hợp hơn với xu thế phát triển của cuộc sống, song giá trị tinh thần mà các nghi lễ của Tào cũng như lễ cấp sắc mang lại vẫn đảm bảo và vẫn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm tinh của cộng đồng. Vì vậy, các cấp, ngành của tỉnh cần có những biện pháp bảo vệ loại hình văn hóa phi vật thể này.