Theo Dự thảo báo cáo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, mục tiêu tổng quát của vùng đến năm 2020 là phát triển khu vực này có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, là khu vực phát triển các hoạt động kinh tế-văn hóa biển của cả nước và khu vực. Trong đó, ngành du lịch và các khu du lịch của vùng đạt trình độ cao, đồng thời là một trong những cửa ngõ ra biển, làm đầu mối giao lưu quan trọng của cả nước và các nước trong khu vực, với các cảng biển thương mại và sân bay quốc tế tầm cỡ.
Do đó, định hướng về phát triển kinh tế biển của vùng Bắc Trung Bộ phải dựa trên định hướng phát triển các ngành kinh tế biển đã được Chiến lược biển và Luật Biển Việt Nam nêu rõ, đồng thời phải dựa trên thế mạnh mang tính cạnh tranh, tính khác biệt của vùng cũng như nhu cầu của thị trường trong thời gian tới. Đó chính là phát triển các khu kinh tế, tạo chân hàng lớn để có thể phát triển kinh tế hàng hải; xây dựng các trung tâm tiến ra biển; du lịch biển; đào tạo nhân lực biển và nuôi trồng hải sản.
Về phát triển đô thị biển, trước hết đầu tư phát triển theo quy hoạch và xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành một trung tâm phát triển ở Bắc miền Trung. Xây dựng và phát triển thành phố Vinh là trung tâm kinh tế-văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ theo Quyết định số 293 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp đó xây dựng ở các thành phố, thị xã ven biển trên từng tỉnh trở thành trung tâm tiến ra biển, như thành phố Hà Tĩnh cùng với thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh; thành phố Đồng Hới cùng Khu kinh tế Hòn La của Quảng Bình; Đông Hà gắn kết với không gian kinh tế cảng Cửa Việt của Quảng Trị; Huế trở thành thành phố Festival, thành phố du lịch, trung tâm văn hóa-kinh tế, thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế, khoa học, đào tạo, y tế đa ngành chất lượng cao của vùng.
V.T (Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam)