Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, lần đầu tiên có số lượng lớn tới 120 doanh nghiệp Nhật Bản đến ĐBSCL và cũng là lần đầu tiên có 1 chuyến bay chuyên cơ trực tiếp từ Tokyo (Nhật Bản) đến Cần Thơ. Chủ tịch VCCI mong muốn Diễn đàn này sẽ diễn ra hàng năm để tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản với ĐBSCL.
Tiềm năng hợp tác giữa ĐBSCL với Nhật Bản là rất lớn nhưng thực trạng đầu tư của Nhật Bản tại vùng này chỉ đứng hàng thứ tư, sau Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore. Thế mạnh lớn nhất của vùng ĐBSCL là tiềm lực về con người trẻ, năng động được đào tạo tốt, có không gian phát triển phục vụ cho các doanh nghiệp. Sự hợp tác trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, du lịch, dịch vụ thương mại… là những tiềm năng của vùng chưa được khai thác mà Nhật Bản sẽ là đối tác tốt nhất để phát triển.
ĐBSCL đang cần có một nền nông nghiệp với công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, trong khi đó, Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Nếu các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư phát triển tại vùng ĐBSCL các mô hình phát triển nông công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ cho phát triển cộng đồng sẽ rất phù hợp.
Chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì cùng với sự phối hợp tổ chức của Câu lạc bộ các Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Du lịch 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Các địa phương vùng ĐBSCL đã giới thiệu với doanh nghiệp Nhật Bản 63 dự án mời gọi đầu tư; trong đó, nhiều nhất là lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao với 12 dự án, 9 dự án công nghiệp, 8 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… còn lại là các dự án kêu gọi đầu tư về thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo…
Tại Diễn đàn, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa lớn nhằm tăng cường mối quan hệ giao lưu kinh tế, thương mại giữa Nhật Bản và ĐBSCL; đồng thời, mong muốn có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm hơn nữa vào khu vực này.
Lãnh đạo các địa phương trong vùng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp để triển khai công việc hiệu quả trên cơ sở hai bên cùng có lợi trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) chuẩn bị có hiệu lực đối với 11 quốc gia thành viên; trong đó có Nhật Bản và Việt Nam - ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Theo ông Kawaue Junichi - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, ĐBSCL là trung tâm về nông nghiệp của Việt Nam đồng thời có vai trò dẫn đầu nền nông nghiệp Việt Nam thông qua việc xuất khẩu nông thủy sản như lúa gạo, tôm, thủy sản… Những năm gần đây, mối quan hệ Nhật-Việt ngày càng trở nên sâu sắc kèm theo đó là mối quan hệ giữa Nhật Bản và vùng ĐBSCL ngày càng mở rộng hơn trong nhiều lĩnh vực như giao thông, thương mại, đặc biệt là nông sản. Đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản cho vùng ĐBSCL ngày càng gia tăng.
Ông Nguyễn Phương Lam - Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ chia sẻ, hiện có 8 điểm nổi bậc nhất của vùng ĐBSCL mà các doanh nghiệp Nhật Bản cần xem như vùng đất mới để quan tâm đầu tư. Đây là vùng đất có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, môi trường đầu tư thuận lợi, cơ sở hạ tầng đang phát triển, thị trường tiêu thụ rộng lớn với gần 18 triệu người tiêu dùng, lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp. Đây còn là vùng sản xuất nông, thủy sản trọng điểm của cả nước với nhiều lĩnh vực đầu tư tiềm năng mới nổi...
Hiện các lĩnh vực hợp tác thương mại dịch vụ giữa Nhật Bản với vùng ĐBSCL bao gồm: cung ứng nông sản chất lượng cao cho thị trường Nhật Bản và trên thế giới; thị trường mới cho các công ty du lịch ĐBSCL – Nhật Bản; dịch vụ tài chính, tín dụng, giao nhận, khám chữa bệnh, giáo dục và dạy nghề; dịch vụ tu nghiệp sinh như: y tế, kỹ thuật, IT, kiến trúc, xây dựng…
Thống kê từ VCCI Cần Thơ cho thấy, tính đến hết tháng 10/2018, vùng ĐBSCL đã thu hút 169 dự án FDI từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký tương đương 2,213 tỷ USD, chiếm 10,5% trong tổng vốn FDI của toàn vùng.