Thế nhưng 100% hộ dân trong khu đã thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là công tác dân số kế hoạch hóa gia đình với thành tích 24 năm liền không có người sinh con thứ 3.
Ông Hà Vụ Than, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Hòa cho biết, hàng năm, khu tổ chức ký cam kết với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, không sinh con thứ 3 trở lên. Trong đó, trưởng các ban, ngành, đoàn thể và đảng viên trong khu phải gương mẫu, sau đó tổ chức tuyên truyền thực hiện tốt chính sách dân số trong các buổi sinh hoạt khu dân cư và các chi hội đoàn thể, để từ đó nhà nhà, người người luôn nắm vững và thực hiện tốt công tác dân số.
Phụ nữ Tân Sơn nghe tuyên truyền về dân số, kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: matttran.org.vn |
Mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 - 2 con để tập trung làm kinh tế. Nhờ đó, trong khu đã xuất hiện nhiều hộ giàu, thu nhập ổn định như anh Hà Văn Nhiên, Hà Văn Phấn, chị Hà Thị Nga... có thu nhập 60 - 100 triệu đồng/năm; hàng chục hộ có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm; 92% số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Trong xã có 67 hộ ở nhà kiên cố xây bằng gạch, kinh tế khá giả, 100% hộ có tivi, điện thoại; hàng chục hộ có mạng Internet để cập nhập thông tin...
Sinh đẻ có kế hoạch để nuôi dạy con tốt. Ảnh: baophutho.vn |
Khu Chiềng, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn cũng có thành tích 26 năm không có người sinh con thứ ba. Để giữ được “kỷ lục” này phải kể đến công lao của cộng tác viên dân số. Họ đã không quản khó khăn, vất vả để “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, kiên trì vận động người dân trong bản thay đổi nếp nghĩ và hành động trong việc thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình.
Yên bình bản vùng cao Tân Sơn. Ảnh: bvtvphutho.vn |
Chị Hà Thị Sinh, từng làm cộng tác viên dân số của bản cho hay: Làm công tác dân số khó khăn lắm, với những bản vùng cao lại càng khó khăn hơn do dân trí còn thấp, đường sá đi lại khó khăn... Tuy nhiên, với lòng nhiệt huyết, chị Sinh đã vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch và được mọi người nhiệt tình ủng hộ.
Chị Nguyễn Thị Duyên, sinh con một bề là con gái, bộc bạch: Khi sinh con gái thứ hai, chồng chị bắt phải sinh tiếp, khi nào được con trai thì thôi. Nhưng rồi các chị ở Hội Phụ nữ và cộng tác viên dân số đã đến tận nhà thuyết phục, giảng giải lý lẽ thiệt hơn, đưa ra bằng chứng là có nhiều hộ trong thôn mình cũng sinh con đều là gái, nhưng đã không sinh tiếp để có điều kiện phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái tốt hơn. Chồng chị đã hiểu và không bắt chị sinh thêm con nữa.