Xóm kế hoạch hóa gia đình

Đã hơn 10 năm nay, xóm Bản Luộc (Nguyên Bình, Cao Bằng) không có hộ nào sinh con thứ ba, dù nhiều gia đình sinh con "một bề" là gái.

 

Xóm Bản Luộc.

 

Gia đình chị Lãnh Thị Huệ có 2 cô con gái. Chồng chị Huệ là con trai trưởng, nhưng anh chị đã quyết định dừng ở lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. "Khi biết vợ chồng tôi không sinh thêm con thứ 3, ông bà hai bên nội, ngoại đều khuyên nhủ nên sinh thêm một cậu con trai để nỗi dõi tông đường. Nhưng vợ chồng tôi đều có chung suy nghĩ rằng, gái hay trai, nếu chúng biết nghĩ thì dù có đi đâu, làm gì, thì vẫn sẽ nhớ đến công ơn nuôi dưỡng mà về với bố mẹ thôi! Đẻ nhiều, con cái nheo nhóc, bố mẹ không có thời gian làm nương rẫy sẽ sinh ra đói nghèo”, chị Huê cho biết.


Xóm Bản Luộc có 53 hộ dân (213 nhân khẩu), với 3 dân tộc anh em là Nùng, Dao, Tày cùng sinh sống. Nhiều năm nay, công tác kế hoạch hóa gia đình ở đây luôn được thực hiện có hiệu quả.

Nhờ kế hoạch hóa gia đình mà 2 con của chị Huệ đều được ăn học đến nơi đến chốn. Con gái lớn là Hà Thị Huyền (sinh 1994), hiện đang học trường Đại học Kỹ Thuật công nghiệp Thái Nguyên. Con gái nhỏ Hà Thị Hảo (sinh 1996), thì năm nay thi đại học. Theo chị Huệ, sở dĩ bà con dân tộc nơi đây không sinh con thứ 3 là do được cán bộ phụ nữ xóm, nhân viên y tế thường xuyên vận động, tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) trong những lần đi khám thai định kỳ. Bên cạnh đó, bản thân người dân cũng tự nhận thức được những khó khăn, vất vả khi sinh nhiều con.


Anh Hà Phúc Cọ - trưởng xóm, cho biết: Cán bộ và nhân dân của xã đều ý thức được rằng việc thực hiện tốt công tác DS - KHHGĐ là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng quê hương càng ngày càng phát triển vững mạnh, toàn diện. Để bà con nhận thức sâu sắc về vấn đề kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), mỗi tháng một lần, xóm lại gõ kẻng mời đại diện các hộ dân đến nhà văn hóa để họp bàn, trao đổi, chia sẻ về những kinh nghiệm về nuôi dạy con cái, các biện pháp KHHGĐ hiệu quả... Thông qua những buổi họp này, bà con dân tộc trong xóm đã dần thay đổi cách nghĩ, theo hướng nên sinh ít con để có điều kiện phát triển kinh tế và nuôi các con ăn học. Kết quả là đã nhiều năm qua, Bản Luộc không có hộ nào sinh con thứ 3, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và xây được nhà kiên cố, 100% con trẻ đều được đến trường, nhiều em thi đỗ các trường đại học, cao đẳng.


Đánh giá về việc thực hiện KHHGĐ ở xóm Bản Luộc, Chủ tịch thị trấn Nguyên Bình, ông Diêu Văn An, cho biết: Với bà con dân tộc, vận động, tuyên truyền thôi chưa đủ, mà các cán bộ như: Chủ tịch hội phụ nữ, trưởng thôn, trưởng xóm… phải là người tiên phong trong công tác KHHGĐ. Từ đó, bà con nhìn vào và học theo. Công tác này phải thực hiện theo phương thức “mưa dầm thấm lâu”. Nhờ làm tốt công tác DSKHHGĐ mà xóm Bản Luộc ngày một phát triển, không có người nghiện ngập, trộm cắp, số hộ nghèo hiện chỉ còn 5. Các hộ nghèo này đều đã quá tuổi lao động và không ở với con cái. Sự thành công trong việc tuyên truyền về KHHGĐ ở xóm Bản Luộc là mô hình hay các địa phương khác ở Nguyên Bình học hỏi và nhân rộng.


Bài và ảnh: Lê Nguyễn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN