Bản Sáy San 2 thuộc xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, có 45 hộ đều là đồng bào dân tộc Mông. Từ năm 2012 đến nay, toàn bản không có hộ sinh con thứ 3. Trưởng bản Sùng A Ninh chia sẻ: "Khi cán bộ dân số tuyên truyền, mình đã thông báo để bà con đến nghe, hiểu. Trong các buổi họp bản, sinh hoạt Đảng, mình đều lồng ghép tuyên truyền, quán triệt để các hộ không có tư tưởng sinh con thứ 3. Hội Phụ nữ bản tích cực tuyên truyền đến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để thực hiện".
Cán bộ cơ sở tuyên truyền dân số, kế hoạch hóa gia đình tới đồng bào dân tộc vùng cao. |
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về dân số, kế hoạch hóa gia đình, hầu hết trẻ em trong bản Sáy San 2 đều được đến trường, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ được chăm sóc, tư vấn sinh con, tư vấn dinh dưỡng, chất lượng dân số ở bản được nâng lên, điển hình là hộ gia đình anh Giàng A Tý. Có điều kiện chăm lo cho hai con, vợ anh Tý ngoài sản xuất còn có thời gian tham gia Hội Phụ nữ để biết thêm nhiều thông tin hữu ích về chăm sóc con. Anh Giàng A Tý chia sẻ: "Được cán bộ tuyên truyền về việc không sinh con thứ 3, vợ chồng mình đã làm theo. Hai con nhà mình được đi học đầy đủ. Vợ chồng mình không chỉ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, mà còn tích cực tuyên truyền cho các hộ trong bản thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình".
Xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường có 546 hộ, 2.814 khẩu, trong đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 748 người. Đây là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên một số hộ dân mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ trong thời gian dài - một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình sinh con thứ 3, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống... Nắm được tâm lý của bà con, cán bộ dân số và y tế cơ sở đã rà soát đối tượng, phối hợp với trưởng bản, người có uy tín của bản để tuyên truyền, phổ biến các mô hình can thiệp dân số. Xã Nùng Nàng cũng thành lập Ban chỉ đạo công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; các tổ truyền thông tại 8 bản, duy trì giao ban tổ tư vấn và cộng tác viên tình nguyện mỗi tháng một lần để triển khai mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, lồng ghép tuyên truyền công tác dân số vào các buổi họp bản.
Đồng bào dân tộc Mông tìm hiểu mô hình can thiệp dân số. |
Anh Sùng A Nhà - cán bộ chuyên trách dân số xã Nùng Nàng cho biết: Năm 2015, xã Nùng Nàng không có trường hợp tảo hôn cận huyết nào xảy ra. Số cặp tảo hôn và sinh con thứ ba giảm qua từng năm. Hàng trăm cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Các cơ quan chuyên môn về dân số đã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền với trên 1.300 lượt người tham dự.
Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lai Châu, hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số như can thiệp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đang được triển khai ở 7 huyện, đưa vào sinh hoạt ngoại khóa tại các trường THPT, Dân tộc nội trú trong tỉnh.
Bà Lý Thị Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lai Châu cho biết: Thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cơ sở, hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông thường xuyên và truyền thông tại các xã, huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ tảo hôn còn cao; đồng thời duy trì triển khai các mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, mô hình sinh hoạt ngoại khóa, truyền thông tại cộng đồng, truyền thông trong chiến dịch cơ sở.