Di dân tái định cư vùng xung yếu - Bài cuối: Còn nhiều nỗi lo

Những năm qua nhờ có Chương trình 193 của Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã di dời được gần 3.000 hộ đến nơi an toàn bằng trên 40 dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 5.000 hộ nằm trong vùng nguy hiểm, trong đó, gần 3.000 hộ ở vùng đặc biệt nguy hiểm. Công tác di dời dân ra khỏi vùng xung yếu của tỉnh Yên Bái còn nhiều khó khăn: Một bộ phận người dân chưa chịu di dời; vốn đầu tư thiếu và chậm.

 

Người đi, người ở

Ông Hà Văn Lan - một người dân vừa chuyển đến sống tại khu tái định cư xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn, hồ hởi cho tôi biết: "Mặc dù nơi ở mới cách khá xa so với nơi ở cũ (khoảng gần 3 km), phải đi làm xa hơn, nhưng nơi ở mới thoáng mát lắm, có nước sạch đầy đủ, đường sá thì đi lại rất thuận tiện. Chúng tôi không còn nơm nớp lo sợ mỗi mùa lũ về".


 

Mỗi hộ tái định cư đều có trụ nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

 

Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng "nhiệt tình" đón nhận địa điểm "an cư" mới như ông Lan. Hiện xã Sơn Lương vẫn còn gần 10 hộ dân chưa chịu chuyển về nơi ở mới. Lãnh đạo xã Sơn Lương đã cùng đại diện Chi cục Phát triển nông thôn nhiều lần tổ chức họp dân, để vận động họ di dời nhà ra khỏi vùng nguy hiểm, nhưng lần nào cũng đều nhận lấy những cái "lắc đầu". Sở dĩ những hộ dân nơi đây không chịu đến nơi ở mới là vì họ cho rằng Nhà nước hỗ trợ với mức 10 triệu đồng/hộ (trước kia là 2 triệu đồng/hộ) là quá thấp, trong khi khả năng tài chính eo hẹp, nên không đủ kinh phí dựng lại nhà tại khu tái định cư. Hơn nữa nơi họ đang sống, nhà cửa đã được xây dựng kiên cố, bề thế. Ngoài ra, nếu vào khu tái định cư thì người dân khó khăn trong việc quản lí rau màu, cây trái (vì khoảng cách giữa nơi ở mới và ruộng, vườn khá xa).


Không chỉ ở xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn một số người dân chưa chịu di dời mà ở nhiều huyện của Yên Bái cũng cùng chung cảnh ngộ. Ngôi nhà gỗ của ông Chang Bla Tồng, ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, được dựng lên khá kiên cố cách đây trên chục năm giờ cũng nằm trong số sẽ phải chuyển đi. Đứng dưới trái nhà nhìn lên, ông Tồng lo lắng: "Ở đây sợ lắm, mình cũng sẽ dọn đi thôi, nhưng giờ đang mùa mưa chuyển nhà rất vất vả. Nhà thì nghèo quá mà chuyển nhà cũng phải có ít tiền để chi phí chưa biết lấy ở đâu”. Có nhiều hộ cho rằng mình còn ở xa nơi nguy cơ sạt lở, có hộ còn tiếc mảnh đất có cây trồng đang cho thu hoạch, nên cứ nấn ná chờ sang mùa khô hoặc có hộ còn chưa có đất để chuyển đến... Được biết, huyện Mù Cang Chải hiện có hàng chục hộ, với trăm khẩu được yêu cầu di chuyển khẩn cấp ở các xã La Pán Tẩn, Cao Phạ và Nậm Có.

 

Khó vì vốn ít


Thực hiện Chương trình 193, thời gian tới tỉnh Yên Bái phải bố trí tái định cư cho hơn 5.000 hộ dân, trong đó gần 3.000 hộ dân thuộc các vùng nguy hiểm do thiên tai, với tổng vốn đầu tư khoảng gần 600 tỷ đồng. Tuy nhiên trong những năm qua kinh phí đầu tư cho công tác này còn thấp, nên bình quân mỗi năm chỉ di dời được vài trăm hộ ở các vùng đặc biệt nguy hiểm do thiên tai.


Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương, tỉnh ta đã kết hợp có hiệu quả với việc huy động nguồn vốn từ ngân sách địa phương và lồng ghép các chương trình, dự án khác như Chương trình 134, 135... Từ đó đã hình thành các khu tái định cư tập trung có cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về đời sống cho nhân dân. Mặc dù vậy, hiệu quả của chương trình ở một số địa phương còn hạn chế, vì người dân đôi khi nhầm lẫn giữa di dân ở vùng thiên tai, vùng khó khăn với di dân để giải phóng mặt bằng, lấy đất làm dự án.


Theo ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái): Hậu quả của thiên tai gây ra những năm qua đã rõ và với những gì đang diễn ra trong việc di dời dân ở nơi có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét đòi hỏi phải thực hiện tích cực hơn nữa, đặc biệt là việc khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của người dân vào chính quyền và Nhà nước trong việc phòng chống thiên tai. Lãnh đạo các địa phương phải sâu sát hơn để rà soát những nguy cơ mới phát sinh như 3 trận lốc xoáy từ đầu năm đến nay, làm 5 người bị thương, thiệt hại hơn 5.000 căn nhà, gần 300 ha hoa màu và cây nông lâm nghiệp để huy động các đoàn thể và cộng đồng dân cư tập trung giúp các hộ nhanh chóng ổn định nơi ở mới. Về hỗ trợ, nên chăng thực hiện việc hỗ trợ trước cho nhân dân để vừa mang tính động viên, vừa để người dân có nguồn chi tiêu, nếu chờ chuyển xong mới nghiệm thu hỗ trợ sẽ không tạo được động lực cho người dân.


Bài và ảnh: Trọng Thủy

Di dân tái định cư vùng xung yếu - Bài 1: An cư nơi đất mới

Những năm gần đây tình hình thời tiết ở các tỉnh Tây Bắc nói chung, ở Yên Bái nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN