Di dân tái định cư vùng xung yếu - Bài 1: An cư nơi đất mới

Những năm gần đây tình hình thời tiết ở các tỉnh Tây Bắc nói chung, ở Yên Bái nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp. Mỗi mùa mưa lũ đến, hàng ngàn hộ dân sống tại các khu vực sạt lở ven sông, ven suối, sạt lở núi luôn phải đối diện với những rủi ro ảnh hưởng đến tài sản cũng như tính mạng của họ. Công tác di dân ra khỏi vùng xung yếu ở Yên Bái đã đạt được những kết quả nhất định, song cũng gặp không ít khó khăn.

 

Bài 1: An cư nơi đất mới

 

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự cần cù của mỗi người dân cuộc sống mới ở các bản tái định cư ra khỏi vùng xung yếu sạt lở ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang dần hiện hữu.

 

Đồng bào đổi công làm nhà cho nhau.

Về Bản Sẻ là bản tái định cư của xã Sơn Lương trong những ngày đầu mùa mưa bão, ấn tượng đầu tiên là con đường bê tông phẳng lỳ uốn lượn theo triền đồi nối từ trung tâm xã đến tận bản. Những con đường dân sinh trong bản cũng được đổ bê tông chắc chắn nối những ngôi nhà sàn được lợp tôn, Prôximăng khang trang vững chãi chạy san sát nhau theo lối kiến trúc dân tộc Thái đặc trưng, được quy hoạch như một thị trấn nhỏ.


Từng dòng người tấp nập đi khai hoang ruộng nước, trên các nương rẫy bà con đang triển khai vụ hè thu. Khi đặt chân đến các bản TĐC, chúng tôi đều cảm nhận sự “thay da đổi thịt” nơi vùng đất này, đời sống tinh thần của nhân dân dần đã ổn định. Trên khuôn mặt từ cụ già đến trẻ nhỏ đều rạng ngời lên một niềm hân hoan, phấn khởi, tin tưởng vào một cuộc sống ấm no, đủ đầy.


Gia đình chị Lường Thị Linh đang dựng nhà – hộ cuối cùng di dời về bản. Chồng chị, anh Sầm Văn Sơ đang mổ gà ở trụ nước dẫn từ bể chứa ở tít trên đồi vui vẻ: “Ở đây ăn cơm nhé. Hôm nay tạm nghỉ làm nhà để ăn Tết Đoan Ngọ”. Trong cái lán dựng tạm chờ nhà mới, anh Sơ cho biết: Nhà tôi ở ngay quả đồi đằng kia, nhưng vì chưa nhờ được họ hàng giúp chuyển nhà nên bây giờ mới chuyển về, còn 22 hộ khác đã chuyển về từ năm ngoái khi dự án làm xong cơ sở hạ tầng. May mắn là tôi bốc thăm được mảnh đất ngoài cùng nên vỡ hoang thêm được ít ruộng ngoài diện tích 300 m2 đất ở dự án cấp”.
Ông Hà Ngọc Thiện, cán bộ địa chính xã Sơn Lương dẫn chúng tôi đi thăm bản, không giấu nổi niềm vui ông Thiện chia sẻ: “Những ngày đầu mới chuyển vào khu tái định cư, thật không kể hết những vất vả mà đồng bào gặp phải, do phải đi làm xa hơn, vì ruộng nương vẫn ở nơi ở cũ. Bà con cũng nản lòng lắm. Nhưng với sự giúp đỡ của Ban Quản lý Dự án di dân TĐC huyện cũng như có điện, đường, nước hợp vệ sinh và sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy chính quyền các đoàn thể trong xã, đặc biệt là ý chí vươn lên không ngại gian khó của đồng bào nơi đây các ngôi nhà sàn đã được dựng lên, đất đai được khai hoang, các tuyến đường được tu sửa. Những ngày khó khăn đã qua, đời sống của bà con đã ổn định”.


Bây giờ nhân dân tích cực khai hoang ruộng nước, trồng hoa màu, xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, nhiều hộ còn đầu tư sản xuất kinh doanh buôn bán... Nhờ đó đời sống bà con đã khá hơn rất nhiều, có hộ còn có của ăn của để, con trẻ đã được học hành đến nơi đến chốn, sức khỏe nhân dân luôn được đảm bảo.


Còn ở thôn tái định cư Tành Hanh, có 86 hộ đồng bào dân tộc Thái, với gần 500 nhân khẩu phải di dời từ những nơi dễ xảy ra sạt lở, mưa lũ về. Gần 1 năm về nơi ở mới, đồng bào đã bắt tay vào làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất mới. Nhà cửa được làm lại khang trang, có cả vườn rau. Một số hộ do được tiền đền bù đất ruộng cộng với bán trâu, bò đã làm hẳn nhà xây kiên cố 2 tầng.


“Đã bao đời nay, con cháu người Thái quen định canh định cư ở ven con suối, vùng đất màu mỡ. Nhưng khi được tuyên truyền, giải thích vì tài sản và tính mạng của mình luôn bị đe dọa bởi lũ quét và sạt lở nên ai ai cũng đồng thuận nhất trí cao di dời về nơi ở mới an toàn hơn. Ở thôn tái định cư Tành Hanh còn được đầu tư nhà văn hóa để bà con sinh hoạt và 2 phòng học mầm non kiên cố để các cháu đi học”, ông Lò Văn Phanh, Chủ tịch UBND xã Sơn Lương cho biết.


Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để ổn định cuộc sống cho bà con, tạo thuận lợi nhân dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, cấp ủy chính quyền địa phương đã cử cán bộ thường xuyên xuống bản tái định vận động, tuyên truyền bà con tích cực khai hoang đất sản xuất, tận dụng vùng đất trũng làm lúa nước. Bên cạnh đó, các cán bộ khuyến nông xã được điều động, phổ biến cho nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời thâm canh tăng vụ trên diện tích đất mới khai hoang. Mặt khác, xã còn tuyên truyền bà con đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản thúc đẩy phát triển kinh tế. Ở các điểm tái định cư, bên cạnh việc ổn định đời sống, phát triển kinh tế, bà con địa phương cũng rất chú trọng đến công tác giáo dục. Tỷ lệ trẻ em luôn duy trì được sỹ số tới lớp, nhân dân được quan tâm hơn tới sức khỏe, các nét đẹp văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát triển.


Bài và ảnh: Trọng Thủy

Bài cuối: Còn nhiều nỗi lo

Di dân tái định cư vùng xung yếu - Bài cuối: Còn nhiều nỗi lo
Di dân tái định cư vùng xung yếu - Bài cuối: Còn nhiều nỗi lo

Những năm qua nhờ có Chương trình 193 của Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã di dời được gần 3.000 hộ đến nơi an toàn bằng trên 40 dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 5.000 hộ nằm trong vùng nguy hiểm, trong đó, gần 3.000 hộ ở vùng đặc biệt nguy hiểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN