Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, trong đó đặc biệt ưu tiên những hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, đã được triển khai hiệu quả tại các địa phương trong cả nước, mang lại nơi "an cư" cho đồng bào “lạc nghiệp”.
43.345 ngôi nhà cho các hộ nghèo Tây Nguyên
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên, gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, đã đầu tư trên 999,8 tỷ đồng (trong đó huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình đóng góp hàng trăm tỷ đồng), để hỗ trợ xây dựng mới 43.345 ngôi nhà cho các hộ nghèo thiếu nhà ở, theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, đạt gần 100% kế hoạch.
Nhà mới của gia đình anh A Tim ở thôn 9, xã Đắk Psy, huyện Đắk Hà (Kon Tum) được xây dựng từ Chương trình 167. ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Đắk Lắk là địa phương có số hộ nghèo được thụ hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở nhiều nhất khu vực Tây Nguyên. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk cũng đã huy động các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, dòng họ tự nguyện đóng góp thêm gần 87 tỷ đồng, xây dựng mới trên 12.850 ngôi nhà cho đồng bào nghèo, hoàn thành kế hoạch trước gần 1 năm.
Để công tác xây dựng nhà cho hộ nghèo đạt hiệu quả cao, các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức họp bình xét công khai các đối tượng được thụ hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở tại các thôn, buôn, làng, bon theo đúng chuẩn nghèo. Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, dân tự làm”, các tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, với nhiều cách làm sáng tạo để xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, vùng, miền, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho hộ gia đình, đồng bào tự chọn mẫu nhà, chủ động trong việc tổ chức thi công, nên chất lượng công trình không những đảm bảo mà còn tận dụng được các nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ sẵn có như gỗ, cát, đá (do gia đình tự khai thác) để mở rộng diện tích, giảm giá thành xây dựng. Qua kiểm tra, nhà ở của các hộ gia đình nghèo được thụ hưởng chính sách đều có diện tích từ 24 - 72 m2, đảm bảo theo đúng quy định, tuổi thọ từ 10 năm trở lên...
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ nay đến năm 2015, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục hỗ trợ làm nhà mới cho trên 46.000 hộ nghèo thiếu nhà ở theo tiêu chuẩn hộ nghèo mới giai đoạn 2011 - 2015.
Giúp ổn định nhà ở cho đồng bào Đăkrông
Theo Ban điều hành Chương trình 167 của tỉnh Quảng Trị, đã có 4.181 hộ trong tỉnh được hỗ trợ về nhà ở, trong đó có 1.920 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tất cả các hộ đều được hỗ trợ kinh phí với mức hộ nghèo thuộc các xã vùng khó khăn là 8,4 triệu đồng, vùng không khó khăn là 7,2 triệu đồng. Ngoài ra các hộ được vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với mức tối đa 8 triệu đồng, được hỗ trợ thêm nguồn từ quỹ "Vì người nghèo", vốn giúp đỡ của cộng đồng. Tổng vốn huy động thực hiện Chương trình 167 ở Quảng Trị là gần 93 tỷ đồng. Đến thời điểm này toàn tỉnh đã hoàn thành 3.856 nhà ở, đạt tỷ lệ 92,2% .
Là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, huyện miền núi Đăkrông của tỉnh Quảng Trị có 1.144 hộ nghèo được hưởng Chương trình 167 của Chính phủ. Để chương trình thực sự trở thành "bà đỡ" của các hộ nghèo, từ năm 2009 huyện đã thành lập Ban điều hành các cấp, tiến hành phân bổ nguồn vốn, tăng cường tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng và tích cực huy động thêm các nguồn lực. Nhờ đó, đến nay huyện đã xây dựng được 1.122 nhà, đạt tỷ lệ 98,1%, số còn lại phấn đấu hoàn thành vào cuối năm nay. Bà Hồ Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên phần đông những hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động xây dựng nhà ở, huy động thêm tiền, gỗ và công sức của người thân. Nhà trị giá 30 triệu đồng với kết cấu vững chắc, đẹp, rộng rãi, thoáng mát, mái tôn, vách và sàn làm bằng gỗ. Đối với những hộ neo đơn, huyện chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trợ giúp và kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ nên nhà có hệ thống cột bằng bê tông, cốt thép hoặc gỗ, mái lợp bằng prôximăng, sàn và vách bằng gỗ với chi phí khoảng 20 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban điều hành 167, đánh giá: Cùng với việc hỗ trợ về nhà ở, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các tổ chức đoàn thể tìm các biện pháp hỗ trợ thêm vốn, giống, tập huấn kỹ thuật giúp cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Thông qua những việc làm này đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thắt chặt tình cảm gắn kết bà con, dòng họ, nghĩa tình làng xóm, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Từ thực tế, tỉnh Quảng Trị kiến nghị với Trung ương khi triển khai giai đoạn 2 của Chương trình nên nâng mức hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở lên 30 đến 35 triệu đồng/nhà, bổ sung hỗ trợ đối với những hộ nghèo có khó khăn về nhà ở hiện đang cư trú tại các thị trấn, thị xã, thành phố nhưng sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp...
Quang Huy - Trần Tĩnh - Bá Thuần