Để sản xuất và xuất khẩu đạt chỉ tiêu

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đã có dấu hiệu phục hồi nhưng tốc độ tăng chậm, xuất khẩu cho dù tăng trưởng trên 16% so với năm 2012 nhưng chỉ bằng 49% kế hoạch năm là hai vấn đề được tập trung bàn thảo tại hội nghị giao ban sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 của Bộ Công Thương diễn ra ngày 1/7.

Sản xuất công nghiệp sẽ khả quan hơn


Tình hình sản xuất công nghiệp đang từng bước được cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2013 tăng 5,2% dù chưa phải là mức tăng cao. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy một số ngành sản xuất như cơ khí, vật liệu xây dựng, do thị trường nội địa tiêu thụ chậm nên sản xuất vẫn còn đình trệ nhưng một số ngành như dệt may, giày dép, linh kiện điện tử và máy tính, điện thoại di động… sản xuất tương đối thuận lợi, nhờ có thị trường xuất khẩu và đơn hàng ổn định.

May hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên). Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Một dấu hiệu khả quan với sản xuất công nghiệp là chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến có xu hướng giảm dần kể từ đầu năm. Tại thời điểm ngày 1/6/2013 chỉ số tồn kho tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 21,5% tại thời điểm 1/1/2013. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, chỉ số tồn kho sản phẩm đã giảm dần qua các tháng, đây là kết quả nỗ lực của Chính phủ, các cấp, các ngành và của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, sự năng động, linh hoạt điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều. Đối với chương trình xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên những thị trường tiềm năng, các hàng hóa đang có nhu cầu lớn về tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nhưng đang gặp khó khăn để đẩy mạnh việc hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng


Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Bộ Công Thương) dự báo, tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng tới sẽ khả quan hơn do bắt đầu từ tháng 2, các doanh nghiệp trong nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, bước vào mùa hè, nhiều sản phẩm của các ngành sản xuất điện, thiết bị điện, điện lạnh, sản xuất đồ uống… có mức tiêu thụ tăng dẫn đến sản xuất sẽ tăng.

Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu từng bước phát huy tác dụng, các hoạt động xúc tiến bán hàng trên thị trường nội địa cũng được tích cực triển khai sẽ góp phần tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho. Ngoài ra, các nhóm hàng dệt may, da giầy, linh kiện điện tử đã có đơn hàng ổn định, nhu cầu khách hàng vẫn tăng... cũng là những yếu tố thúc đẩy sản xuất phát triển. Với những yếu tố trên, dự báo, sản xuất công nghiệp trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng cao hơn 6 tháng đầu năm và ước cả năm, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ tăng khoảng 5,7%.

 

Một số ngành khẳng định được vị thế


Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 62 tỷ USD cho dù tăng trưởng trên 16% so với năm 2012 nhưng chỉ bằng 49% kế hoạch năm do giá xuất khẩu của hai nhóm hàng chiếm giá trị lớn là nông sản và nhiên liệu khoáng sản giảm mạnh.


Cụ thể, tỷ trọng nhóm nông-lâm-thủy sản bị giảm, chỉ chiếm 15-17% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 tháng đầu năm 2012 là 18,9%). Nguyên nhân chủ yếu do giá giảm, từ đầu năm đến nay giảm từ 15-25% tùy loại mặt hàng. Nhóm khoáng sản 6 tháng đầu năm chiếm tỷ trọng 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, cũng giảm so với cùng kỳ năm 2012 (10,6%).


Động lực tăng trưởng xuất khẩu chính vẫn là nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến mà khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) giữ vai trò chủ yếu, gồm các mặt hàng điện thoại di động và linh kiện các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử… Trong 6 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung, xuất khẩu của nhóm ước đạt hơn 42,7 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2012.


Bên cạnh đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn như: Dệt may, giầy dép, cũng có tăng trưởng cao tương ứng là 17% và 16%, điều này cho thấy các ngành này đã khẳng định được vị thế của mình, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, dù trong bối cảnh những thị trường xuất khẩu chính gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp của ngành vẫn có đủ đơn hàng, sản xuất ổn định.


Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 128 tỷ USD cả năm 2013, thời gian còn lại của năm, xuất khẩu phải đạt mức bình quân 11 tỷ USD/tháng. Theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đây là nhiệm vụ khó khăn và nặng nề trong bối cảnh thị trường phục hồi chậm như hiện nay. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, xét theo yếu tố chu kỳ thì xuất khẩu 6 tháng cuối năm luôn cao hơn 6 tháng đầu năm từ 15 - 25%, vì vậy, nếu như không có yếu tố đột biến thì mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 128 tỷ USD cả năm 2013, tăng khoảng 12% so với năm 2012, vẫn có khả năng thực hiện được.


Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN