Giá vàng thế giới giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất trong một tuần trong khi giá dầu thế giới trượt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 15/12, giá vàng thế giới giảm do hoạt động bán ra của các nhà đầu tư và xu hướng mạnh lên của đồng USD trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg |
Cuối phiên này, giá vàng giao ngay đã giảm 2,4% xuống 1.193,26 USD/ounce, sau khi có thời điểm rơi xuống 1.190,59 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 2/2015 giảm 1,2% xuống đóng phiên ở mức 1.207,70 USD/ounce.
Ngay từ đầu phiên giao dịch, giá vàng đã chịu sức ép trong bối cảnh đồng bạc xanh tăng giá trước thềm cuộc họp của Fed (dự kiến diễn ra ngày 16-17/12), với những đồn đoán ngân hàng này có thể đưa ra quyết định tăng lãi suất.
Đến phiên chiều, thị trường vàng còn chịu sức ép lớn hơn khi các nhà đầu tư tăng cường bán ra mặt hàng này, trong bối cảnh giá dầu trượt dốc. Giám đốc Tai Wong, thuộc BMO Capital Markets, tại New York, nhận định vàng là một trong những "nạn nhân" của tình trạng giá dầu giảm sâu. Chỉ trong ba giờ, giá kim loại quý này đã để mất gần 2% và xóa nhòa đà tăng của tuần trước.
Tuần trước, giá vàng đã tăng 2,6%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2014. Song, các nhà giao dịch đã thúc đẩy hoạt động bán ra, khi giá vàng không thể phá nổi mốc 1.235 USD/ounce.
Hiện nay, thị trường đang hướng sự chú ý vào cuộc họp của Fed. Trong kịch bản cơ quan này quyết định tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, đồng USD sẽ tăng giá và giá vàng sẽ chịu tổn thương. Các số liệu kinh tế tích cực gần đây về kinh tế Mỹ đã khiến đồng USD tăng 0,1% so với rổ tiền tệ.
Trên thị trường kim loại quý khác, phiên 15/12, giá bạc đã giảm 5,1%, mức giảm trong một ngày mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay và rơi xuống 16,12 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thế giới trượt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua trong phiên giao dịch ngày 15/12, sau khi một quan chức cấp cao của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) bóng gió rằng hoạt động đầu cơ là nguyên nhân khiến giá “vàng đen” sụt giảm mạnh, từ đó cho thấy tổ chức này có khả năng sẽ tiếp tục giữ nguyên sản lượng ở mức hiện nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg |
Chốt phiên này, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2015 giảm 1,9 USD xuống còn 55,91 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5/2009. Trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn đứng ở mức 61,06 USD/thùng, giảm 79 xu Mỹ so với mức đóng phiên ngày 12/12.
Theo các chuyên gia phân tích, nguồn cung dồi dào, đồng USD mạnh lên và nhu cầu yếu là nguyên nhân khiến “vàng đen” mất gần 50% giá trị kể từ tháng Sáu đến nay.
Sau khi đi xuống vào cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ tiếp tục mở đầu tuần mới với "sắc đỏ", chủ yếu do ảnh hưởng của việc giá dầu thế giới giảm sâu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 99,99 điểm (0,58%), xuống 17.180,84 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 12,7 điểm (0,63%), xuống 1.989,63 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 48,44 điểm (1,04%), xuống 4.605,16 điểm.
Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnhh: Bloomberg |
Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường khoán châu Âu cũng đua nhau hạ điểm, do dầu mỏ trượt giá mạnh khiến lợi nhuận của các công ty năng lượng bị ảnh hưởng nặng nề.
Chốt phiên này, tại thị trường Paris, chỉ số CAC của Pháp giảm 2,52%, xuống 4.005,38 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 20/10, đồng thời đánh dấu phiên giảm thứ sáu liên tiếp của chỉ số này. Chỉ số DAX 30 của Đức cũng mất 2,72%, xuống 9.334,01 điểm. Còn tại thị trường London của Anh, chỉ số FTSE 100 hạ 1,87%, xuống 6.182,72 điểm.
Minh Trang- Trà My (Theo Reuters/AFP)