Triển khai chương trình “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo đề án 1956 của Chính phủ gắn với giải quyết việc, tỉnh Bắc Ninh đã áp dụng nhiều hình thức đào tạo, nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 54% trong năm 2013. Riêng khu vực nông thôn, tỉnh phấn đấu thực hiện dạy nghề cho khoảng 10.000 lao động, nhằm tạo lực lượng lao động phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động ngày càng tăng cho các KCN tập trung, KCN vừa và nhỏ, cụm công nghiệp làng nghề.
Lớp dạy nghề may công nghiệp tại xã Giang Sơn, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Baobacninh |
Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã lựa chọn đào tạo những nghề phù hợp điều kiện thực tế, với hình thức đào tạo tập trung ngay tại thôn, xã như mô hình kỹ thuật trồng nấm và nuôi gà thương phẩm ở Gia Bình với 70 học viên tham gia. Mô hình này hiện đang được nhân rộng không chỉ tại Gia Bình, mà đã phát triển sang các huyện Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong, Lương Tài, đem lại thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng.
Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho gần 25.500 lao động nông thôn; trong đó có 18.120 người có việc làm, chiếm 70,6%, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm tại chỗ, cung cấp lao động cho các doanh nghiệp, giúp người nông dân chuyển đổi nghề, tạo thêm nghề mới phát triển kinh tế.
Thái Hùng