Đào tạo liên thông sẽ đúng bản chất

Không có việc dừng hoàn toàn đào tạo ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán; những sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đã có thời gian làm việc thực tế, thì vẫn sẽ tiếp tục được tham gia đào tạo liên thông. Đó là những thông tin mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đưa ra trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời", phát sóng trong chương trình thời sự tối 27/1, trên kênh VTV1- THVN.

 

‘Sẽ có cảnh báo với các ngành nghề dư thừa nhân lực


Trong một cuộc họp về công tác thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội, do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, diễn ra cuối năm 2012; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã khẳng định: Từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở mới các trường đại học đào tạo các ngành này.


 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận

 

Thông tin này đã nhận sự quan tâm của đông đảo người dân trong thời gian gần đây. Rất nhiều phụ huynh, học sinh đặt câu hỏi: Vậy liệu có còn các ngành học này trong năm 2013?


Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Bộ không có chủ trương dừng đào tạo các ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán.Và các trường đại học đã được phép mở các ngành đào tạo này, trong năm học mới, và cụ thể là trong kỳ tuyển sinh 2013, vẫn sẽ mở các ngành đào tạo bình thường.


Theo đó, các trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, ĐH Thương mại, ĐH Ngoại thương… năm 2013 sẽ tuyển sinh bình thường, và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường này vẫn do Hiệu trưởng quyết định, dựa trên các tiêu chí đảm bảo chất lượng mà Bộ đã ban hành. "Chủ trương của Bộ là dừng mở mới các trường và các ngành đào tạo của các chuyên ngành này, để điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo. Trên thực tế, hiện nay, quy mô của các cơ sở đào tạo các chuyên ngành tài chính, kế toán, ngân hàng, quản trị kinh doanh đã rất lớn, số lượng sinh viên ra trường đã và đang tăng lên nhiều. Cho nên lời cảnh báo này cũng là để các thí sinh có cân nhắc, thận trọng trong khi đăng ký nguyện vọng dự thi đại học", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.


Cũng theo Bộ trưởng, đây không phải là một cảnh báo riêng cho ngành tài chính, ngân hàng; mà sẽ là cảnh báo thường xuyên, với những lĩnh vực đào tạo có nguy cơ dư thừa nhân lực, nhằm giúp các trường, cũng như các thí sinh có một cái nhìn đầy đủ khi quyết định việc tuyển sinh cũng như chọn ngành nghề của mình. Cụ thể, theo Bộ trưởng, hiện tại Đại học Xây dựng cũng đã đưa ra cảnh báo về việc 5 năm tới ngành xây dựng sẽ thừa một lượng lớn kỹ sư xây dựng. Ngành y tế cũng đã dự báo về nguy cơ dư thừa các học viên học nghề điều dưỡng. "Và không phải chỉ các trường xây dựng, các trường đào tạo về điều dưỡng của y tế đưa ra cảnh báo; mà tất cả các ngành đào tạo hiện đều đang được thống kê, theo dõi. Chúng tôi sẽ phát những cảnh báo thường xuyên, một mặt là để các thí sinh chuẩn bị vào các trường cao đẳng, đại học có sự cân nhắc, thận trọng, nhìn vào các thông số để có quyết định chính xác; mặt khác giúp các nhà trường nhìn thấy khả năng tiếp nhận nguồn lao động do mình cung cấp, để có các giải pháp điều chỉnh kịp thời.Về phía mình, Bộ cũng sẽ đưa ra những giải pháp để hạn chế hoặc khuyến khích các ngành học, nhằm đảm bảo sự cân đối giữa nguồn cung ứng với nhu cầu của thị trường lao động", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.

 

Bảo đảm chất lượng ngang bằng giữa đào tạo chính quy và liên thông


Trả lời băn khoăn của nhiều sinh viên về việc liệu Bộ có tạm dừng đào tạo liên thông, Bộ trưởng khẳng định: Bộ vẫn tiếp tục tổ chức đào tạo liên thông, nhưng sẽ chấn chỉnh những gì chưa đúng, không phù hợp với luật giáo dục đại học vừa có hiệu lực từ 1/1/2013; đưa đào tạo liên thông về đúng bản chất của nó.


Theo đó, đào tạo liên thông sẽ chỉ dành cho những sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng đã có thời gian làm việc thực tế tại các cơ sở kinh tế, xã hội. "Hình thức đào tạo liên thông là nhằm tạo cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Những người đã tốt nghiệp trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, sau một thời gian làm việc, đã có tay nghề và tích lũy được kỹ năng mềm rồi, thì trên cơ sở đó, Bộ thiết kế một con đường cho các học viên này được tham dự kỳ thi theo những môn riêng", Bộ trưởng cho biết.


Theo Bộ trưởng, trường hợp những học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, chưa có thời gian công tác thực tế, mà muốn tham dự kỳ thi đại học, thì phải tham dự kỳ thi như các học sinh vừa tốt nghiệp THPT. Việc làm này nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của văn bằng là ngang nhau giữa đào tạo chính quy và đào tạo liên thông!

 

T.Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN