Sạt lở làm ngôi nhà của chị Đinh Thị Diệp, tổ 16, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn sập hoàn toàn. Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN |
Với đặc trưng của đô thị vùng cao, địa hình chủ yếu là đồi núi ở như thành phố Bắc Kạn thì việc đào núi làm nhà là vấn đề dễ hiểu. Tuy nhiên, tình trạng san ủi trái phép, không theo quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng không đồng bộ đang ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đô thị. Lo ngại hơn đó là phần lớn những gia đình sinh sống trong khu vực này đều không an toàn và khó khăn, thiếu thốn do hạ tầng ít được đầu tư.
Nhiều khu dân cư do người dân mua đất tự san lấp mặt bằng nên có mái taluy cao, dựng đứng, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Nhất là khi đang mùa mưa bão như hiện nay, những mái taluy cao ngấm nước có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra như ở khu dân cư tổ 16 phường Sông Cầu vào đầu tháng 8 vừa qua. Được xây dựng chưa lâu thế nhưng chỉ qua một trận mưa lũ, ngôi nhà của gia đình bà Ma Thị Dinh ở tổ 16 phường Sông Cầu đã bị sập. Rất may, không có thiệt hại về người nhưng ngôi nhà và tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng đã bị hủy hoại do sạt lở.
Hầu hết những ngôi nhà trong khu vực này đều do các gia đình tự san ủi và chia lô, bán đất. Taluy cao nhưng thiếu những kè chắn kiến cố, vì vậy người dân luôn phải lo lắng vì sạt trượt mỗi khi vào mùa mưa. Bà Ma Thị Dinh, tổ 16 phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn cho biết: Tôi rất lo lắng mỗi khi buổi đêm, trời mưa, nằm ngủ trong phòng dưới mái taluy cao dựng đứng. Đợt vừa rồi do mưa lũ lớn, mái taluy sau nhà tôi bị sạt, lúc đầu sạt mấy chục khối đất nhưng giờ đã sạt hàng nghìn khối.
Tình trạng chung của những khu dân cư do người dân tự san ủi đó là thiếu an toàn và không được đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ. Hậu quả là người dân luôn phải đối mặt với những rủi do trong mùa mưa lũ. Những bất cập này không chỉ xảy ra tại những khu dân cư tự phát, ngay cả những khu dân cư được cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố Bắc Kạn cũng đã và đang nảy sinh khó khăn khi các hộ dân chuyển đến nơi ở mới.
Sạt lở vùi lấp căn bếp phía sau của một số hộ dân ở tổ 8, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn. Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN |
Ông Trương Văn Kín, một hộ dân đang xây nhà tại khu dân cư tổ 12, phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn cho biết, việc làm nhà và sinh sống trong khu vực này rất khó khăn. Đây là khu dân cư được cấp phép đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng chủ yếu là đào núi, san nền và bán cho các hộ dân, các hạ tầng thiết yếu khác như đường giao thông, điện, nước đều không được đầu tư hoặc đầu tư cũng chỉ mang tính hình thức. Sau gần 5 năm hoàn thành, đến nay hàng chục hộ dân đã mua đất và xây dựng nhà ở tại khu dân cư tổ 12 nhưng vẫn phải tự bỏ chi phí để kéo điện, khoan giếng mà không được bất kỳ sự hỗ trợ nào của chủ đầu tư dự án.
Ngoài những khu dân cư tự phát, hiện nay, TP Bắc Kạn có 4 khu dân cư tự xây được cấp phép với khoảng 270 lô đất. Đây đều là những khu dân cư do các cá nhân, doanh nghiệp tự bỏ kinh phí san ủi và chia lô, bán đất. Đến nay, đất đã được bán và nhà cũng đã được xây nhưng hầu hết các khu dân cư này đều không được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, gây rất nhiều khó khăn cho các hộ dân đến đây sinh sống.
Theo ông Đinh Quang Tuyên - Chủ tịch UBND TP Bắc Kạn, việc xử lý những tồn tại ở các khu dân cư hiện nay là rất khó khăn. Về nguyên tắc, ngân sách Nhà nước không thể bỏ kinh phí đầu tư, hoàn thiện hạ tầng trong những khu dân cư tự xây. Trách nhiệm này phải do những các chủ đầu tư san ủi, chia lô và đã bán được đất.
Với người dân, mỗi mảnh đất, ngôi nhà đều là tài sản lớn thế nhưng với kiểu "đem con bỏ chợ" khi không đầu tư hạ tầng ở nhiều khu dân cư trên địa bàn TP Bắc Kạn hiện nay là khó chấp nhận, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp, ngành chức năng.