"Theo quyết tâm của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ) thì lực lượng chủ yếu đánh B52 là tên lửa và không quân. Tên lửa là chủ yếu nhất. Không phụ sự tin tưởng ấy, bộ đội tên lửa với những cách đánh sáng tạo, độc đáo đã bắn rơi “con ngáo ộp” B52, đánh sập thần tượng không lực Hoa Kỳ” - câu nói của Đại tá Đỗ Văn Chung, nguyên trực ban trưởng Sở chỉ huy Quân chủng PKKQ, người đã phát lệnh đưa toàn quân chủng sẵn sàng chiến đấu trong cả 12 ngày đêm năm ấy thôi thúc chúng tôi tìm đến những chiến sỹ tên lửa năm nào...
Phân đội X tên lửa bảo vệ Thủ đô - đơn vị đã góp phần bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.500 trên miền Bắc, luôn chiến đấu ngoan cường, mưu trí, góp phần cùng quân và dân Thủ đô bắn tan xác nhiều máy bay Mỹ. |
Không quá khó để tìm ra ngôi nhà số 22, phố Nguyễn Ngọc Nại, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân của Đại tá Nguyễn Xuân Minh, nguyên Trợ lý Bộ tham mưu quân chủng PKKQ và cũng là sỹ quan nhấn nút phóng tên lửa bắn rơi máy bay của Pate Paterson, viên phi công sau này trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Hà Nội. Phía trái căn phòng nhỏ là bức ảnh chụp vợ chồng ông, ba người con, gồm hai gái, một trai và những đứa cháu nội, ngoại. Trong góc, là chiếc tủ đứng chất ngất những chồng tài liệu cũ, mới.
Dựa lưng vào chiếc tràng kỷ, vị đại tá có vóc dáng thấp nhỏ nhưng đôi mắt đặc biệt sáng, ánh lên sự hóm hỉnh, tinh nhanh, với tay cầm tấm bản đồ ghi Vị trí 16 chiếc B52 rơi tại chỗ (trong những đêm tháng 12/1972) được cất giữ cẩn thận trong chồng tài liệu. Ông Minh nói: “Những kỷ niệm này theo tôi suốt cả chặng dài cuộc đời. Đặc biệt là trận đánh thắng máy bay B52 của Tiểu đoàn 93, Trung đoàn Tên lửa 261 có nhiệm vụ bảo vệ phía Bắc Hà Nội vào hồi 20 giờ ngày 20/12/1972”.
Hồi đó ông Nghiêm Xuân Minh là trợ lý của Phòng Tác huấn tên lửa quân chủng, được phân công xuống Tiểu đoàn 93 theo dõi và hỗ trợ đơn vị. Bởi từ ngày đầu đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Sư đoàn 361 chưa bắn rơi tại chỗ được chiếc B52 nào. "Sau khi xuống đơn vị, tôi lập tức cho kíp chiến đấu luyện tập các bài đánh B52 theo giáo án có sẵn và luyện thêm bài “đánh bồi, đánh nhồi”, nghĩa là bắn vào dải nhiễu B52 mà khi đạn nổ, B52 chưa bị tiêu diệt, nhưng nếu lúc đó có tín hiệu mục tiêu rõ ràng xuất hiện trong dải nhiễu sẽ cho bắn tiếp. Do vậy, kíp chiến đấu đã thành thạo trong tình huống này" - Ông Nguyễn Xuân Minh không nén nổi những cảm xúc từ 40 năm trước ùa về.
Ngày 10/9/1972, Mỹ cho nhiều máy bay ném bom, bắn phá một số vùng dân cư thuộc thành phố Hà Nội. Các lực lượng vũ trang Thủ đô đã nổ súng chính xác, bắn rơi 2 máy bay, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ. Trong ảnh: Xác 1 trong 2 chiếc máy bay bị bắn rơi. |
Rồi ông cẩn trọng lấy ra quyển sổ ghi dày đặc những chi tiết về trận đánh đêm 20/12/1972, trong đó có những dòng chữ: “Trận đánh xuất sắc có ý nghĩa hết sức quan trọng, đây là trận đánh thắng đầu tiên trong đêm thứ ba của chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội làm tan biến nỗi lo âu căng thẳng của bao người trong Sở chỉ huy Sư đoàn”.
Quả vậy, trận đánh của Tiểu đoàn 93, Sư đoàn 361 vào 20 giờ ngày 20/12/1972, diễn ra đúng như phương án đã được tập luyện. Hôm ấy, địch bay vào từ hướng Tam Đảo. Được lệnh của Trung đoàn, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ra lệnh ngay cho sỹ quan điều khiển Hoàng Đức Vĩnh phát sóng sục sạo tìm mục tiêu. Khi kíp trắc thủ Hương - Côn - Tuấn bám sát chính giữa vào giải nhiễu điện tử sáng nhất của máy bay B52, anh ra lệnh: “Phóng 2 quả, điều khiển bằng phương pháp T”. Sỹ quan điều khiển thực hiện ngay. Hai tiếng nổ liên tiếp ầm vang. Thành ca bin rung lên. Nhưng 2 quả đạn đã vượt qua mục tiêu, tự hủy.
Đúng lúc đó, kíp trắc thủ báo cáo phát hiện thấy tín hiệu mục tiêu đang bay trong giải nhiễu. Trường hợp này xảy ra đúng như phương án đã chuẩn bị trước. Lập tức, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho sĩ quan điều khiển phóng tiếp bằng phương pháp T hai quả đạn nữa vào mục tiêu mà các trắc thủ đang tập trung tinh lực dán mắt, vê tay quay nhẹ nhàng đưa nó vào đúng tim đường ngang và dọc trên màn hình. Hai quả SAM2 xé không trung hướng thẳng tới mục tiêu. Đạn nổ! B52 bốc cháy sáng rực một vùng trời Hà Nội. "Niềm tự hào của không lực Hoa Kỳ" cắm đầu lao thẳng xuống Yên Thường huyện Gia Lâm (Hà Nội). Nó chưa kịp cắt bom nên tiếng nổ của nó làm rung động cả một vùng rộng lớn. "Siêu pháo đài bay" cùng bọn giặc lái tan tành trong khói lửa.
Tiếp nối câu chuyện về những cách đánh, bí quyết hạ gục B52 của bộ đội ta, ông Minh hóm hỉnh kể: Vào những đêm tháng 12, có tiểu đoàn Tên lửa hỏa lực đã rơi vào tình trạng giữa chừng “trắng bệ”, nghĩa là trên các bệ phóng không còn đạn, trong khi máy bay địch vẫn tiếp tục kéo vào. Anh em lái xe chở đạn cực kỳ dũng cảm. Họ đợi ở các bãi lắp ráp, được quả nào là tranh thủ vượt đạn bom lao về đơn vị. "Đạn về đến nơi, lập tức được nạp vào bệ phóng, chưa ấm chỗ đã lao đi tìm diệt B52. Các tiểu đoàn hỏa lực thỉnh thoảng lại nhận được Chỉ thị qua điện thoại từ Trung đoàn: “Khách đến còn nhiều, chú ý tiết kiệm gạo”. Thế nhưng vượt qua khó khăn, bộ đội tên lửa đã đánh xuất sắc, bắn rơi tại chỗ B52 của địch" - Ông Minh nhớ lại.
Chia sẻ của đại tá Minh khiến chúng tôi nhớ đến câu chuyện lý thú về chiến công kỳ diệu "mỗi viên đạn một quân thù" của Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, Quân chủng PKKQ về trận đánh xuất sắc bắn hạ B52 trong tình trạng "khan đạn".
Đó là vào rạng sáng 21/12/1972, khi từng tốp B52 đang nối tiếp nhau bay vào thì trên các bệ phóng của Tiểu đoàn 57 chỉ còn 2 quả đạn. Tiểu đoàn đã hạ quyết tâm đánh "quả một". Nghĩa là mỗi lần dùng một quả. 5 giờ 9 phút, quả thứ nhất rời bệ, hạ 1 chiếc B52. Đến 5 giờ 19 phút, quả thứ hai, quả đạn cuối cùng trên các bệ phóng, vút lên. Thêm một "Niềm tự hào của không lực Hoa Kỳ" bị tiêu diệt. Chiếc B52 này rơi xuống gần Núi Đôi, Vĩnh Phú. Sau đó ít ngày, cũng bằng 2 quả tên lửa SAM2, Tiểu đoàn 72 quật ngã 2 chiếc máy bay ném bom hạng nặng này, mà xác một chiếc rơi ngay xuống đường Hoàng Hoa Thám và giữa làng hoa Ngọc Hà, chỉ cách Quảng trường Ba Đình không đầy 600 m.
Hết cuộc đời binh nghiệp, người sỹ quan tên lửa năm nào trở về với cuộc sống bình dị, đời thường cùng gia đình. Ký ức về một thời "máu và hoa", những chiến công lẫy lừng của chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không", niềm tự hào và lẽ sống của người cựu chiến binh Nguyễn Xuân Minh bây giờ là sự trưởng thành của ba người con và các cháu nội, ngoại. Bởi như lời ông nói: Mùa đông khói lửa của 40 năm trước đã qua, một tương lai thanh bình, tốt đẹp, đang đón đợi.
Anh Tùng - Viết Tôn