Coi trọng sản xuất nông lâm nghiệp

Trong những năm qua, ngành nông, lâm nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều đóng góp cho nền kinh tế, góp phần tích cực giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, miền núi.

 

Cần có chính sách lâm nghiệp toàn diện


Từ lâu, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi Tây Nguyên sống với rừng, gắn bó với rừng, rừng nuôi nấng và che chở họ. Sự phát triển nhanh chóng của các nông lâm trường đã đem lại những diện mạo mới cho miền núi và Tây Nguyên. Theo ông Y Mửi, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, việc sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị đã đạt được một số kết quả đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, người dân vẫn thiếu đất rừng để sản xuất, sinh sống. Sự chồng lấn đan xen đất rừng của người dân với các nông lâm trường vẫn chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến những tranh chấp và có những nơi tranh chấp gay gắt.

 

Chăm sóc cà phê tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) Ảnh: Quang Quyết - TTXVN


Để khắc phục tình trạng trên, ông Y Mửi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sớm thực hiện việc đo đạc các mốc rừng. Cần rà soát số diện tích những nông lâm trường quản lý không hiệu quả, giao lại cho người dân sản xuất, cho cộng đồng quản lý và sản xuất. Đó cũng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Tây Nguyên.


Để phát triển Tây Nguyên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: Cần có cơ chế chính sách lâm nghiệp toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Thực hiện tốt chính sách đất đai, bảo đảm việc sử dụng đất phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Phát huy lợi thế đất đai, đưa nông lâm nghiệp phát triển theo chiều sâu và đa dạng hóa, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển có chất lượng cây công nghiệp dài ngày, mở rộng các tập đoàn cây trồng, vật nuôi nhiệt đới và một số cây con có nguồn gốc ôn đới ở quy mô thương mại; gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu.


Nghiên cứu về cơ chế chính sách lâm nghiệp toàn diện gắn với phát triển kinh tế-xã hội ở Tây Nguyên. Sắp xếp lại hệ thống lâm trường quốc doanh, giảm dần và từng bước giải thể các công ty lâm nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả; cần tính, thực hiện thuế tài nguyên rừng và có chính sách tín dụng đối với ngành lâm nghiệp hợp lý. Đẩy mạnh kinh doanh nghề rừng, tổ chức khai thác tốt diện tích rừng hiện có, bảo đảm yêu cầu về tái sinh rừng, bảo vệ môi trường. Quản lý thật chặt chẽ đất lâm nghiệp, giao cho các doanh nghiệp, thực hiện các dự án trồng rừng, trồng cây công nghiệp.


Chính sách cho người trồng cà phê


Bên lề kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa qua, một số đại biểu cho rằng cần phải nhận thức rõ vấn đề cốt lõi, cơ bản của phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là làm sao phải tạo được nghề cho lao động nông thôn, làm sao để làm tăng giá trị lao động, giá trị ngày công của lao động nông thôn và mục đích là tăng thu nhập của người nông dân để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.


Theo ông Phạm Minh Tấn - Đắc Lắk, cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu mang lại nhiều ngoại tệ cho vùng Tây Nguyên. Một tấn cà phê thô xuất khẩu mang lại lượng ngoại tệ bằng 4 tấn gạo, nếu được đầu tư, chế biến thì giá trị còn tăng nhiều hơn. “Đề nghị Chính phủ có chính sách tạm trữ trợ giá như thế nào đó để người dân trực tiếp sản xuất cà phê được hưởng lợi nhiều nhất. Bởi hiện nay giá cà phê đang xuống thấp, người sản xuất cà phê nếu bán sẽ bị lỗ, thu nhập thấp. Vì vậy cần phải có chính sách cho người dân trồng cà phê vay vốn để họ đầu tư bảo quản, sơ chế cà phê khi nào được giá thì sẽ bán. Tình trạng hiện nay nhiều hộ nông dân phải bán cà phê non để lấy tiền đầu tư trang trải cho sản xuất”, ông Tấn bày tỏ quan điểm.


Cùng quan điểm này, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) phân tích, liên quan đến vấn đề sản xuất nông nghiệp ở vùng trọng điểm cà phê Tây Nguyên, thời gian vừa qua hệ thống ngân hàng đã có động thái tích cực là ưu tiên bố trí vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, giúp nông dân có điều kiện về vốn để thực hiện tái canh đối với vườn cà phê già cỗi, năng suất kém ở khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, quá trình tái canh cà phê cần phải đảm bảo các yêu cầu tương đối khắt khe về biện pháp kỹ thuật công nghệ tạo giống, khai hoang, trồng luân canh. Bên cạnh công tác khuyến nông tuyên truyền phổ biến kỹ thuật, cần lưu ý đến việc chi phí đầu tư ban đầu cho quá trình tái canh cà phê quá lớn, chính điều này đã gây cản trở cho quá trình tái canh cà phê vì người trồng cà phê không đủ vốn.


Đành rằng có sự hỗ trợ tích cực về vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng, nhưng thiết nghĩ Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ một phần chi phí tái canh cà phê cho người trồng cà phê, có thể tài trợ bằng giống mới để kích thích quá trình tái canh th eo đúng lộ trình, đảm bảo sự đồng bộ cho cả một vùng trọng điểm chuyên canh cà phê.

 

Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN