Gia Lai được coi là điểm “giao lộ” của cả vùng Tây Nguyên, nối liền với các tỉnh Duyên hải miền Trung - nơi có 6 khu kinh tế, 54 khu công nghiệp, 13 cảng biển và tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Do vậy, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có ý nghĩa chiến lược quan trọng, tạo cơ hội giúp Gia Lai tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.
Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Tây Nguyên có tổng chiều dài hơn 600 km. Tuyến đường này được các nhà thầu tập trung thi công và phấn đấu hoàn thành tiến độ theo kế hoạch đề ra vào cuối năm 2016. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho các nhà thầu cơ bản đã hoàn thành. Các đơn vị đã triển khai thi công với hạng mục chủ yếu như nền đường, cống, móng, một số nhà thầu tiến hành bê tông nhựa ở một số đoạn qua tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước. Riêng dự án qua tỉnh Đắk Nông phấn đấu cuối năm 2014 sẽ trải thảm bê tông nhựa toàn tuyến, đến quý I năm 2015 hoàn thành dự án.
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có ý nghĩa chiến lược quan trọng, tạo cơ hội cho Gia Lai tăng tốc, phát triển. Ảnh: Quang Huy-TTXVN |
Dự án qua tỉnh Gia Lai có tổng chiều dài 97 km và đi qua 6 huyện, thành phố gồm: Chư Pảh, Pleiku, Đắk Đoa, Chưprông, Chư Sê và Chư Pưh với tổng mức kinh phí đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng. Tuyến đường này đang trong quá trình thi công mở rộng và nâng cấp. Đến nay, toàn tuyến có hơn 30 km, từ ngã 3 Tà Quỳnh đến trung tâm thành phố Pleiku cơ bản thảm nhựa xong mặt đường; hơn 60 km từ đỉnh núi Hàm Rồng đến Cầu 110 (giáp giới với tỉnh Đắk Lắk) đã hoàn thành 22% giá trị xây lắp và hơn 60% giá trị tổng thể.
Tại cuộc làm việc với Ban quản lý đường Hồ Chí Minh và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo nhà đầu tư yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời kiên quyết xử lý những nhà thầu không đủ năng lực nhất là đối với các dự án BOT. Thứ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà thầu có điều kiện thi công nhanh, bảo đảm kịp tiến độ.
Khi đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thiện sẽ kết nối với quốc lộ (QL) 19, QL25 và hệ thống đường tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai tạo thành một hệ thống đường xuyên suốt từ Bắc đến Nam và từ Đông sang Tây. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi, tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trước mắt, ngành công nghiệp Gia Lai sẽ phát triển mạnh, mở ra triển vọng mới, nhất là về lĩnh vực công nghiệp chế biến. Với lợi thế là một tỉnh có tiềm năng về đất đai và phát triển mạnh các loại cây công nghiệp dài ngày cao su (hơn 100.000 ha, sản lượng 70.000 tấn mủ khô), cà phê (gần 80.000 ha, sản lượng 140.000 tấn), tiêu (10.000 ha, sản lượng 21.000 tấn)... Hầu hết các mặt hàng nông - lâm sản đều xuất ra khỏi tỉnh dưới dạng thô hoặc sơ chế đến các khu công nghiệp tại các tỉnh Duyên hải miền Trung hoặc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, hệ thống đường xuống cấp, đi lại khó khăn khiến các mặt hàng tiêu thụ chậm, giá thành sản phẩm thấp. Khi nút thắt này được gỡ sẽ giúp nguồn hàng nông - lâm sản tiêu thụ nhanh, giá thành cao. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến nông sản có quy mô lớn và hiện đại sẽ được hình thành ngay tại địa phương.
Gia Lai còn có vị trí quốc tế quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, nơi có các cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai), Bờ Y (Kon Tum). Địa phương có môi trường thuận lợi về giao thương hàng hóa đối với các nước Lào, Campuchia và từ đó sẽ sang nhiều nước khác trong khu vực và thế giới.
Với vị trí như vậy, khi cơ sở hạ tầng giao thông được nâng cấp cùng với những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, Gia Lai sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 149 dự án, với tổng nguồn vốn đăng ký hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong đó, 52 dự án đã hoàn thành và đi vào sản xuất ổn định với tổng vốn đăng ký 5.850 tỷ đồng, 57 dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh tăng bình quân 26,9%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 200 triệu USD.
Các loại hình du lịch ở Gia Lai cũng sẽ được phát triển mạnh, nhất là loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, trên cơ sở mở rộng hợp tác liên kết du lịch với các tỉnh trong khu vực và vùng lân cận. Bởi hiện Gia Lai đang "sở hữu" tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, tạo nên những điểm du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng. Về loại hình du lịch sinh thái, Gia Lai có hệ thống thắng cảnh thiên nhiên và khu hệ động vật phong phú, hấp dẫn, đó là: Hồ T'nưng (Biển Hồ), thác Phú Cường, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng...
Các kết nối với danh lam thắng cảnh trong khu vực như hồ Ya Ly, Măng Đen, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum); Vườn Quốc gia Yok Đôn, hồ Lắk (Đắk Lắk); thác Ba Tầng, Suối nước nóng Đắk Song (Đắk Nông); Vườn Quốc gia Cát Tiên, thác Đam B'Ri (Lâm Đồng)... sẽ tạo ra một tour du lịch sinh thái liên vùng hấp dẫn và nhiều thuận lợi. Về du lịch văn hóa, Gia Lai đã xây dựng được những điểm đến bằng bản sắc văn hóa độc đáo của người Bahnar và J'rai như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, Vua lửa...
Văn Thông