Trong những năm chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, cầu Long Biên (Hà Nội) là một trong những mục tiêu bắn phá dữ dội. Và trong những ngày cuối năm 1972, cầu Long Biên cũng bị bom Mỹ phá hỏng nhiều đoạn.
Trong ngôi nhà nhỏ của mình, ông Tư Nở đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện chở đò dưới tầm B52 trong những ngày cuối năm 1972. |
Để đảm bảo đưa người dân nội thành Hà Nội đi sơ tán sang các vùng lân cận, trong 12 ngày đêm B52 trút bom xuống thành phố, đã có hàng trăm chuyến đò chở hàng ngàn người dân qua sông Hồng an toàn. Những người chở đò năm ấy giờ người còn, người mất. Nơi từng là bến đò năm xưa nay chỉ còn trong hoài niệm…
Trong những ngày kỷ niệm 40 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi trở lại bến đò xưa với mong muốn tìm lại miền ký ức của một thời từ những người chở đò đưa người qua sông năm ấy. Hỏi thăm mãi, chúng tôi mới tìm được đến nhà cụ Nguyễn Văn Lân, Chủ nhiệm hợp tác xã chở đò Thái Thủy năm xưa, hiện đang trú tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm). Năm nay đã 97 tuổi, nhưng cụ Lân vẫn còn khá minh mẫn. Cụ kể lại: Trong 12 ngày đêm B52 ném bom Hà Nội, cầu Long Biên, tuyến đường huyết mạch nối nội thành với bờ bắc sông Hồng bị bom Mỹ phá huỷ nhiều đoạn. Bà Thuần, khi ấy đại diện cho lãnh đạo khu Hoàn Kiếm liên tục đến động viên anh chị em trong hợp tác xã, đồng thời yêu cầu phải thiết lập tuyến đò qua sông để nối mạch máu giao thông của thủ đô. Những người chèo đò cũng là chiến sỹ, ai hy sinh sẽ được công nhận liệt sỹ…
“Vậy là trong suốt 12 ngày đêm ấy, tại bến đò ngang của hợp tác xã Thái Thủy (nằm ở đoạn giữa của cầu Long Biên và cầu Chương Dương hiện nay - PV) hợp tác xã và anh em lái đò thay nhau trực và chở đò cả ngày lẫn đêm. Khi bom đánh sập cầu, số lượng người qua sông xếp hàng dài trên bờ, có lúc phải căng dây để giữ trật tự. Hai bên bờ sông được hợp tác xã cho đào rất nhiều hầm cá nhân, mỗi khi có máy bay địch đến ném bom, mọi người lại nhanh chóng xuống hầm trú ẩn, đến khi báo an lại lên đi tiếp” - cụ Lân chậm rãi nhớ lại.
Được sự giới thiệu của cụ Lân, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Nở (Tư Nở) hiện đang sống ở bãi An Dương (phường Phúc Xá) là một trong những người lái đò ngày ấy. Ngoài 70 tuổi, ông Tư Nở đã có quá nửa đời người gắn bó với nghề sông nước. Và ông đã kể cho chúng tôi nghe về công việc của những người lái đò đã chở hàng ngàn người vượt sông Hồng an toàn trong những ngày cuối năm 1972. Với ông Tư Nở, câu chuyện ấy dường như mới chỉ diễn ra cách đây không lâu.
Đưa tôi xuống thăm lại bến đò xưa, ông Tư Nở nhớ lại: “Ngày ấy hợp tác xã có chừng chục anh em, khoảng 5-6 chiếc thuyền to, mỗi thuyền chở được từ 30-40 người. Trong những ngày đó, thuyền là một trong những phương tiện qua sông khá quen thuộc của mọi người dân sống ở Hà Nội, nhất là khi cầu Long Biên bị bom phá hỏng nhiều đoạn”.
“Những ngày đó sao mà ác liệt thế, công việc của chúng tôi nguy hiểm không kém gì các chiến sỹ trên mâm pháo. Ở trên bờ, lúc máy bay đến còn xuống hầm trú ẩn được, chứ công việc của chúng tôi giữa mênh mông sông nước thì chỉ còn biết trông cậy vào con đò. Từ 6-7 giờ sáng, các lái đò đã tập trung ở bến cầu phao Hàm Tử Quan để nhận nhiệm vụ. Có những chuyến đò tôi đưa dân mình qua sông mà máy bay của địch lượn vèo vèo trên đầu, bom ném xuống sông dựng lên từng cột nước, dù ở cách khá xa mà chúng tôi vẫn thấy hơi nóng phả lên rát mặt. “Vũ khí” duy nhất mà chúng tôi có là mái chèo. Nhiều khi một tay chèo, một tay tôi cầm tấm ván che đầu để tránh mảnh bom…” - ông Tư Nở bồi hồi kể lại những ngày tháng ác liệt năm ấy.
“Tuy suốt ngày ở bến đò, nhưng ngày ấy tôi cũng biết khối chuyện, và cũng biết rất rõ việc Mỹ vừa ném bom ở đâu trong Hà Nội đấy nhé” – ông Tư Nở ‘khoe” với chúng tôi. Thì ra, tuy phải bám bến, bám thuyền, không có điều kiện đi đến những nơi khác, nhưng trên mỗi chuyến đò, ông đều được nghe những người dân đi đò kể chuyện, hôm thì chúng đánh khu nhà máy nước thế nào, hôm thì chuyện bom Mỹ ném xuống bệnh viện Bạch Mai ra sao, rồi thì chuyện chúng ném bom khu phố Khâm Thiên, khiến hàng trăm người chết… ông đều được nghe và biết cả. “Có nhiều khi mọi người trên thuyền đang nói chuyện thì máy bay Mỹ đến, mọi người chỉ còn cách nằm rạp xuống thuyền. Cũng hú hồn lắm đấy cô ạ” – ông Tư Nở nhớ lại.
Trong 12 ngày đêm B52 ném bom Hà Nội, hợp tác xã chở đò đã làm việc suốt ngày, đêm, mỗi ngày chở đến vài chục chuyến. Hỏi ông có lo lắng gì những khi chở đò qua sông không, ông lắc đầu bảo: “Có lo cũng không giải quyết được gì. Lúc ấy, mối quan tâm duy nhất của những người lái đò như chúng tôi là làm sao nhanh chóng qua được sông; và khi mọi người hoang mang, thì chúng tôi chính là những người trấn an, nhắc nhở bà con bình tĩnh, không nhốn nháo để bảo đảm an toàn. Cũng may mà bom đạn nhiều thế, nhưng không đánh trúng chiếc đò nào, bà con mình qua sông đều an toàn. Đó là thành tích của anh chị em trong HTX chở đò năm ấy” – ông Tư Nở không giấu được sự tự hào khi kể về thành tích của hợp tác xã mình.
Những ngày bom đạn khốc liệt ấy đã lùi xa, trên mảnh đất từng một thời hằn lên những vết thương của chiến tranh ấy giờ đã mọc lên một làng chài mới, với vài chục hộ sinh sống. Nhìn đám trẻ con làng chài nô đùa trên bãi cát, tôi chợt nhận thấy, tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng trong từng ánh mắt, nụ cười trẻ thơ vẫn ánh lên sự hồn nhiên, vô tư như tương lai tươi sáng của các em.
Bài và ảnh: Phương Lan