Chuyển biến ở một ngôi trường vùng biên nghèo

Trường Phổ thông Bán trú THCS Lý Tự Trọng là ngôi trường cấp 2 chung cho 4 xã khu 7 gồm Tr’Hy, A Xan, Ga Ry, Ch’Ơm (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), một nơi từng được coi là nghèo khó nhất Quảng Nam. Những biến chuyển của sự học ở ngôi trường này cũng là những biến chuyển chung của sự học khu 7: trường lớp được xây dựng kiên cố, giáo viên yên tâm bám lớp, con chữ với học sinh không còn quá xa vời...


Đổi thay sự học


Chúng tôi theo chân các tình nguyện viên tham gia chuyến từ thiện của Câu lạc bộ Sức Trẻ Đà Nẵng đến trường THPT Lý Tự Trọng. 40 cây số đường rừng từ A Tiêng (trung tâm huyện) đến A Xan giờ đã được trải nhựa gần xong, cái suối mà mới năm trước còn ghê rợn khi phóng xe qua giờ đã được bắc một cái cầu xây kiên cố. Trên đồi cao, ngôi trường hiện ra trong mờ sương...

 

Các em học sinh Cơ Tu giao lưu cùng các thành viên của Câu lạc bộ Sức Trẻ Đà Nẵng.


Lâu nay, người ta nhắc đến vùng biên giới khu 7 là nhắc đến một sự xa xôi, cách trở. Nơi đây tách biệt với các vùng còn lại bởi những con đường đất hoang vu cây rừng; đời sống người dân còn rất khó khăn; hai xã Tr’Hy và Ch’Ơm vẫn chưa có điện lưới. Anh Phạm Tuấn - Hiệu trưởng của trường THPT Lý Tự Trọng cho biết: “Khi trường chưa được thành lập, học sinh học xong cấp 1 muốn học lên cấp 2 thì phải lội bộ 40 cây số đường đất từ A Xan (còn ở Ch'Ơm, Ga Ry thì xa hơn - PV) đến trung tâm huyện. Xa xôi thế, nên học sinh bỏ học là chuyện thường. Năm 2001, trường được thành lập, mới giảm dần rồi chấm dứt tình trạng bỏ học".


Khi mới thành lập, trường chưa được xây dựng, phải mượn nhờ trường Tiểu học A Xan dưới thung lũng để dạy và học. Khó khăn hết sức, giáo viên không có chỗ ở, thiếu phòng thiếu lớp; rồi đến năm 2005, huyện cho xây trường mới là ngôi trường hiện nay, từ đó việc học mới đi vào bài bản. Đặc biệt, theo như đánh giá của ông Huỳnh Kim Tín, trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tây Giang, thì bắt đầu từ năm 2009, khi anh Phạm Tuấn về trường làm hiệu trưởng, thì ngôi trường thực sự vững mạnh.


Bây giờ, trường đã có 34 cán bộ giáo viên, nhân viên trong đó giáo viên là 20 người; và 318 em học sinh theo học. Số lượng phòng ốc bán trú đủ về số lượng và đủ kiên cố để các em học sinh nội trú, các em không còn phải lội bộ hàng chục cây số về nhà. Tỷ lệ học sinh khá giỏi mỗi năm là 30% và hầu như không có học sinh bỏ học. Trường cũng nhận được nhiều bằng khen của tỉnh, huyện trong công tác thi đua dạy và học. Đó là một thành tích vượt bậc mà những ai chứng kiến sự đổi thay của khu 7, chỉ cách chừng mấy năm thôi, còn được mệnh danh với câu nói “Bất đáo khu 7 phi hảo hán", không thể không vui mừng.


Ngôi trường của những mô hình


Có được sự đổi thay ấy, theo thầy Hiệu trưởng Phạm Tuấn, bên cạnh công tác lên lớp, trường còn chú trọng đến những hoạt động ngoài giờ, coi đây là những hoạt động không thể thiếu để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho các em học sinh người Cơ Tu.

 

Mô hình nhà gươl.


Mô hình tủ sách thôn bản là mô hình độc đáo nhất, như lời của ông Huỳnh Kim Tín: “Phòng giáo dục huyện coi đây là một mô hình học tập mà trong thời gian tới, sẽ có kế hoạch khuyến khích nhân rộng ở tất cả các trường học trên địa bàn huyện, với hy vọng sẽ hạn chế tình trạng viết sai lỗi chính tả, đọc không chuẩn; ngoài ra, còn bổ sung các kiến thức xã hội về mọi mặt, cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho các em".


Với sự đề xuất của liên đội trường, mô hình tủ sách thôn bản được nhà trường triển khai từ 2 năm nay, cho các học sinh cấp 1 và cấp 2 trên toàn vùng khu 7, với mỗi thôn là một điểm đọc. Hiện, với hơn 300 đầu sách được quyên góp từ các nơi, trường đã xây dựng được 5 điểm đọc tại 5 thôn của xã A Xan (thôn A Rầng 1, A Rầng 2, thôn Agrí, thôn Ka Noon, thôn Ga Nil) và 2 điểm đọc ở thôn A Tu 1 và A Tu 2 của xã Ch’Ơm. Theo đó, mỗi điểm đọc được bố trí một giá sách với gần 50 cuốn sách gồm sách thiếu nhi, báo chí thiếu nhi, thiếu niên, truyện tranh, sách tin học... phù hợp cho độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 9. Một số thôn giá sách được đặt ở gươl, một số thôn giá sách được liên hệ đặt ở nhà trưởng thôn, các em học sinh trong thôn tự phân công quản lý.

Theo sự hướng dẫn của giáo viên, các em đến đó đọc vào ban đêm, lúc rảnh rỗi. Để khuyến khích việc đọc sách, nhà trường có sáng kiến: với sự theo dõi của giáo viên, em nào được đánh giá là đọc nhiều cuối tháng sẽ có phần thưởng được trích từ kinh phí hoạt động đội. “Phần thưởng không nhiều, tổng giá trị chỉ vài chục nghìn đồng với một số dụng cụ học tập, sinh hoạt, nhưng cũng từ đó mà các em hăng say. Các em đến đọc đúng giờ, và điểm đọc thật sự trở thành một nhà sinh hoạt văn hóa”, anh Phạm Tuấn bộc bạch.


Trường THCS Lý Tự Trọng cũng là một trong hai trường của huyện Tây Giang xây dựng mô hình nhà gươl. Gươl của trường được xây dựng vào cuối năm học 2009 - 2010 với sự đóng góp kinh phí tự nguyện của phụ huynh học sinh 4 xã khu 7, các giáo viên trong trường tự vẽ mô hình rồi góp công xây dựng. Với người Cơ Tu, gươl được coi như một biểu trưng văn hóa, là "trái tim" của làng, là nơi gắn kết cộng đồng làng. Bởi vậy, theo anh Phạm Tuấn, việc xây dựng nhà gươl ở khuôn viên trường cũng là việc dạy cho các em Cơ Tu biết quý trọng truyền thống văn hóa dân tộc mình; và ngoài ra, cũng có chỗ để các em học sinh có thể tới để ôn bài, sinh hoạt tập thể.


Công trình nhà thanh niên được xây dựng đầu năm học 2011 - 2012 với sự đóng góp kinh phí của các giáo viên trong trường là nơi để các giáo viên, học sinh có nơi sinh hoạt, giao lưu, tiếp khách.


Cũng giống như những ngôi trường vùng cao khác, trường còn xây dựng mô hình vườn rừng trồng rau củ quả một cách bài bản và còn chăn nuôi heo. Mỗi năm các giáo viên và học sinh trong trường nuôi 30 con heo để vô đầu năm học có thể giết thịt cho học sinh, số lượng rau củ quả cũng cung ứng được phần nào thức ăn cho học sinh của trường.


Năm này, trường tổ chức mô hình tiếng kẻng học bài, bằng cách đánh kẻng theo thời gian quy định, các em học sinh nội trú tự học trong phòng theo quy định. Ngoài ra, trường cũng xây dựng một nhà hớt tóc, đây là mô hình đầu tiên của huyện, để hớt tóc, chăm sóc vệ sinh cho các em.


Trong đêm trại giao lưu cùng Câu lạc bộ Sức Trẻ Đà Nẵng, các em học sinh Cơ Tu cùng hòa vào màn khiêu vũ cha cha cha vui nhộn. Dư âm của núi rừng văng vẳng cùng dư âm của những sự đổi thay. " Trường tiểu học Ch'ơm vừa được xây dựng bài bản đấy bạn. Như vậy, khu 7 không còn trường tạm nữa, sự học khu 7 bắt đầu đi vào bài bản, và sẽ bài bản hơn nữa", anh Phạm Tuấn nói trong tiếng cười.


Bài và ảnh: Mai Thành Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN