Chương trình 'chính phủ cứu vãn xã hội' của Hy Lạp

Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ trung thành với mục tiêu ngừng chính sách kinh tế khắc khổ cũng như không yêu cầu tiếp tục các chương trình cứu trợ hiện có sau thời hạn chấm dứt vào ngày 28/2, trong đó nhiệm vụ cấp bách là khôi phục lại chủ quyền, độc lập về kinh tế, vai trò thành viên bình đẳng trong Liên minh châu Âu (EU) cũng như vượt qua khủng hoảng nhân đạo trong nước. Đó là tuyên bố của Thủ tướng Alexis Tsipras ngày 8/2 trước quốc hội khi ông đệ trình chương trình hành động mới của chính phủ mà ông Tsipras gọi là "chính phủ cứu vãn xã hội".

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày 8/2. Ảnh: AFP/TTXVN


Chương trình hành động của Chính phủ Hy Lạp được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một kéo dài từ nay đến hết tháng Sáu, Athens hy vọng sẽ ký một thỏa thuận "bắc cầu" với EU, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhằm vẫn đảm bảo hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp nhưng không kèm theo các yêu cầu "thắt lưng buộc bụng" trong thời gian hai bên đàm phán thỏa thuận mới về nợ của nước này. Ông Tsipras gọi thỏa thuận "bắc cầu" trên là "phương án duy nhất" cho các bên. Giai đoạn thứ hai kéo dài suốt 3,5 năm còn lại trong chương trình 4 năm nhằm thực hiện tất cả các cam kết mà đảng Syriza đã đưa ra khi tranh cử.


Về các biện pháp cụ thể trong lĩnh vực xã hội, Chính phủ Hy Lạp dự định sẽ có các chương trình cung cấp miễn phí thực phẩm, dịch vụ y tế và điện cho các gia đình nghèo, chịu tác động nhiều nhất từ chính sách kinh tế khắc khổ. Về kinh tế, Athens sẽ khởi động nền kinh tế để đạt tăng trưởng trở lại, đấu tranh chống tham nhũng và quan liêu, bãi bỏ một số loại thuế, xây dựng hệ thống thuế ổn định, đơn giản và công bằng, thiết lập mức thu nhập không chịu thuế là 12.000 euro thay vì 5.000 hiện nay, tăng dần lương tối thiểu lên 750 euro vào năm 2016, khôi phục lại việc làm cho các đối tượng bị mất việc trước đây, đặc biệt là giáo viên, nhân viên vệ sinh. Bên cạnh đó, Thủ tướng Tsipras nhấn mạnh, chính phủ phải đi đầu làm gương về mức sống tiết kiệm, bản thân thủ tướng đã chỉ thị cắt giảm 30% nhân viên của Cung Maxim (phủ thủ tướng), và 40% số lượng đội cảnh vệ riêng. Liên quan đến các vấn đề quốc tế, Thủ tướng Tsipras kêu gọi tiến tới một giải pháp khả thi và công bằng cho vấn đề đảo Cyprus, cũng như với Macedonia liên quan tới tên gọi nước này. 


Thủ tướng Tsipras đệ trình Chương trình hành động mới của Chính phủ khi Athens đang tiến hành những bước đàm phán khó khăn với các chủ nợ quốc tế về nợ công của nước này. Trước thềm hai cuộc họp quan trọng của các bộ trưởng tài chính 19 nước thành viên Eurozone (Eurogroup) và EU về vấn đề nợ của Hy Lạp, Chủ tịch nhóm Eurogroup Jeroen Dijsselbloem nhấn mạnh, Eurogroup không muốn có một thỏa thuận "bắc cầu" và Athens cần tiến hành các quy trình mở rộng cứu trợ trước ngày 16/2 để EU thông qua. ECB cũng thông báo từ ngày 11/2 sẽ không chấp nhận dùng trái phiếu quốc gia của Hy Lạp đảm bảo tính thanh khoản.


Do hệ quả của chính sách kinh tế khắc khổ đổi lấy cứu trợ 5 năm qua, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp đã giảm 25%, đất nước có hơn một triệu người thất nghiệp, nợ công lên đến 180% GDP. 


Cùng ngày 8/2 Mỹ kêu gọi lãnh đạo Eurozone chấp nhận thỏa thuận "bắc cầu" với Hy Lạp do lo ngại những lỗ hổng ngân sách của nước này sẽ gây thiệt hại đến nền kinh tế toàn cầu.



TTXVN/Tin tức

Hy Lạp có nữ Chủ tịch Quốc hội
Hy Lạp có nữ Chủ tịch Quốc hội

Ngày 6/2, với 235/298 phiếu ủng hộ, bà Zoi Konstantopoulou, thuộc đảng Syriza cánh tả cấp tiến, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội mới của Hy Lạp. Đây là phụ nữ thứ hai giữ chức Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN