Sau khi Mỹ và Cuba thông báo quyết định lịch sử nối lại quan hệ ngoại giao, Nhà Trắng cho biết Mỹ không loại trừ khả năng Chủ tịch Cuba Raul Castro sẽ tới thăm Mỹ. Hai nước cũng nhất trí khởi động đối thoại chính thức.Chủ tịch Castro (phải) nói chuyện với ba chiến sĩ Cuba được Mỹ thả. |
Khả năng Chủ tịch Cuba thăm Mỹ được phóng viên đề cập ngày 18/12 và được phát ngôn viên Nhà Trắng trả lời: “Tôi sẽ không loại trừ khả năng có một chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Castro”.
Trong khi quan hệ Mỹ - Cuba tan băng cùng nhiều diễn biến nhanh chóng, bà Roberta Jacobson, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Tây bán cầu, cho biết bà sẽ tới thủ đô Havana vào cuối tháng 1/2015 để đàm phán trực tiếp lần đầu tiên nhằm khởi động tiến trình khôi phục quan hệ ngoại giao.
Cuộc đàm phán cuối tháng 1 ở Cuba này đã được lên kế hoạch từ lâu và được cho sẽ là đòn bẩy kết thúc 5 thập kỷ quan hệ đình trệ, nối lại quan hệ ngoại giao toàn diện. Bà Roberta khẳng định: “Chúng tôi sẽ coi đây là một phần trong tiến trình khôi phục quan hệ ngoại giao”. Bà cho biết thêm rằng khi hai nước đã sẵn sàng thì quá trình nối lại quan hệ tương đối đơn giản.
Bước tiếp theo sẽ là mở lại Đại sứ quán Mỹ ở Havana và chỉ định đại sứ. Đại sứ quán Mỹ ở Havana đóng cửa năm 1961 mặc dù một bộ phận lợi ích Mỹ vẫn hoạt động trong tòa nhà đó. Chi phí mở cửa lại đại sứ quán ở Havana sẽ cần được quốc hội thông qua.
Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng giao cho Bộ Ngoại giao nhiệm vụ trong vòng 6 tháng phải xem xét việc loại bỏ Cuba ra khỏi danh sách đen các nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống Barack Obama sẽ là người ra quyết định cuối cùng về việc đưa tên Cuba ra khỏi danh sách này. Cuba đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen từ ngày 1/3/1982. Theo chỉ thị trên, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ phải xem trong vòng 6 tháng qua Cuba có hỗ trợ bất kỳ hành động nào có thể bị coi là khủng bố không và chính quyền Cuba có phản đối chủ nghĩa khủng bố hay không.
Bà Roberta cũng nhấn mạnh rằng những điều mà Tổng thống Obama nói trong tuyên bố có thể không ngay lập tức có hiệu lực vì tất cả đều đòi hỏi phải thay đổi luật hiện hành. Bà chỉ hi vọng sự thay đổi diễn ra càng nhanh càng tốt.
Cùng ngày 18/12, Nhà Trắng ra thông báo để ngỏ khả năng Chủ tịch Raul Castro sẽ có chuyến thăm Washington trong thời gian tới. Nhà Trắng cũng đã lập một trang web tiếng Tây Ban Nha có tên "Một hướng đi mới cho Cuba", liệt kê các biện pháp mà ông Obama công bố nhằm bình thường hóa quan hệ song phương bao gồm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, nới lỏng việc hạn chế đi lại và gửi kiều hối, cấp phép cho những cá nhân muốn du lịch đến Cuba và điều chỉnh một số quy định trong hoạt động xuất - nhập khẩu.
Tuy nhiên, chắc chắn các nỗ lực của chính quyền Mỹ trong nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba sẽ bị quốc hội cản trở. Các nghị sĩ Cộng hòa đã tính đến mọi lựa chọn có thể để cản bước ông Obama. Một trong số đó có thể là từ chối cấp kinh phí mở cửa đại sứ quán hoặc không thông qua đề cử đại sứ Mỹ.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng Tổng thống Obama vẫn có quyền hành pháp đủ mạnh để giảm hạn chế về thương mại, đi lại và ngân hàng với Cuba bất chấp bị quốc hội phản đối. Phát ngôn viên Nhà Trắng khẳng định không đặc biệt ngại sự phản đối của phe Cộng hòa và nói: “Những bước đi mà ông Obama thông báo là những việc nằm trong quyền hành pháp của tổng thống Mỹ”.
Nếu Cuba được nới lỏng lệnh cấm vận, nền kinh tế nước này sẽ có thêm luồng sinh khí mới. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, thương mại hai chiều có thể lên tới 10 tỷ USD hàng năm nếu Cuba được bỏ cấm vận. Các công ty lớn của Mỹ có thể hưởng lợi từ quan hệ mới của Cuba - Mỹ, như nhà sản xuất xe hơi General Motors, "gã khổng lồ" trong ngành nông nghiệp Cargill, tập đoàn bán lẻ bàn ghế Ethan Allen Interiors…
Thùy Dương