Hiện có hai tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh là Tiền Giang và Tây Ninh đã công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm chưa qua 21 ngày. Trong khi đó, TP.HCM lại là địa bàn tiêu thụ lớn các loại gia súc, gia cầm từ các tỉnh này. Để chủ động ngăn chặn việc xâm nhập mầm bệnh vào thành phố, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ “đầu vào”.
Nguy cơ từ “điểm nóng”
Theo Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn tồn tại hơn 40 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép tại 10 quận, huyện. Trong đó, nhiều điểm “nóng” thường xuyên buôn bán gia cầm sống chưa qua kiểm dịch, như: cầu Chợ Cầu (giáp ranh giữa quận 12 và quận Gò Vấp), đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình), đường Bình Long (Tân Phú)... vẫn khó quản lý.
Dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh gia cầm sống chưa qua kiểm dịch vẫn được bày bán tràn lan. |
“Mặc dù các điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép đã giảm nhưng vẫn chưa triệt để. Ở nhiều địa bàn, vẫn còn tình trạng cứ khi đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện và thành phố vừa đi khỏi thì việc kinh doanh gia cầm sống trái phép lại tái diễn”, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh nhìn nhận.
Theo ông Thảo, tình trạng nuôi gia cầm, nhất là gà đá, gà kiểng tại một số khu vực nội thành và ven nội thành và tình trạng buôn bán chim dạo tại một số tuyến đường vùng ven thành phố như đại lộ Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Bình Chánh) cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Đại diện Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, tại một số địa bàn như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9 vẫn còn tồn tại một số hộ chăn nuôi vịt thịt, vịt đẻ với số lượng lớn, nhất là tại các xã ven kênh Đông của huyện Củ Chi, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, không đăng ký với chính quyền địa phương và cơ quan thú y.
Theo các trạm kiểm dịch động vật nằm ở các cửa ngõ thành phố, việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc hoặc không qua kiểm dịch từ các tỉnh vào thành phố hiện vẫn còn tồn tại khá phổ biến. “Các sản phẩm này được đưa từ các tỉnh miền Đông, miền Trung, miền Tây vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ bằng các phương tiện giao thông công cộng (xe khách, xe tải, xe buýt) và bằng các tuyến đường khác nhau (đường tỉnh lộ, đường cao tốc, ngã rẽ, đường tắt...) nên gây nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý, ông Phan Xuân Thảo cho biết.
Tăng cường kiểm soát
Để ngăn chặn mầm bệnh vào thành phố, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đoàn liên ngành thành phố và quận, huyện tập trung lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trái phép trên địa bàn. Đặc biệt, các trạm kiểm dịch động vật ở các cửa ngõ ra vào thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát hơn nữa đối với những đối tượng có nghi ngờ. “Khó khăn nhất hiện nay là lực lượng chức năng không bố trí đủ người phối hợp để túc trực thường xuyên tại các chốt chặn để kịp thời ngăn ngừa vi phạm.
Bên cạnh đó, do ý thức chấp hành của người kinh doanh chưa cao, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng vẫn vì lợi nhuận mà có các hành vi vi phạm. Mặt khác, một số người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen sử dụng thịt gia cầm giết mổ rồi bán trong siêu thị, mà chỉ muốn sử dụng thịt gia cầm còn sống và giết mổ tại chỗ”, ông Phan Xuân Thảo cho biết.
Nhằm đảm bảo an toàn dịch tễ cho đàn gia súc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm trái phép trên địa bàn, nhất là ở các tuyến đường nhỏ thông với các trục đường chính ra vào thành phố, khu vực giáp ranh các tỉnh.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Chi cục Thú y kiểm soát chặt chẽ nguồn gia cầm đưa vào các cơ sở giết mổ, các nguồn sản phẩm đông lạnh nhập khẩu tại các kho lạnh đảm bảo đầy đủ giấy chứng nhận kiểm dịch. Chi cục Quản lý thị trường chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường mật độ kiểm tra, chốt chặn các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các cửa ngõ ra vào thành phố, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc.
Bài và ảnh: H.Tuyết - Đ.Phương