Ngày 3/3, lễ công bố chiến dịch "Chấm dứt sử dụng sừng tê giác" do tổ chức WildAid - tổ chức cứu trợ hoang dã (Mỹ), Quỹ hoang dã Phi châu (Nam Phi) và Trung tâm CHANGE tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội.
Chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê giác” nằm trong khuôn khổ của chương trình “Không có người mua - không còn kẻ giết”, một chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn và giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, hướng tới chấm dứt hoàn toàn nạn săn bắn trái phép các loài động vật hoang dã và tác động tiêu cực của nó tới cộng đồng.
Chiến dịch này sẽ được triển khai tại Việt Nam trong 3 năm, kể từ tháng 3/2014.
Theo thống kê, có khoảng 1.004 con tê giác ở Nam Phi bị giết trong năm 2013, và chỉ tính từ đầu năm đến ngày 20/2, cũng ở Nam Phi, 145 con tê giác đã bị săn trộm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tâm lý của người dân, tin rằng sừng tê giác có thể chữa được các bệnh như ung thư và một số bệnh khác. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, với giá trị đắt hơn cả vàng, nhưng sừng tê giác không hề có tác dụng chữa bệnh như những lời đồn đoán. Nạn săn bắn trái phép đã đẩy các loài động vật hoang dã đến bờ vực tuyệt chủng, vì vậy cần ngăn chặn những hành động tàn sát này thông qua các hoạt động như:Tăng các hình thức xử phạt đối với người săn bắt bất hợp pháp, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng…
Thu Trang