Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2013 của cả nước đã giảm 0,06% so với tháng 4 và lặp lại trạng thái giảm của tháng 5/2003.
CPI tháng 5 của cả nước đảo chiều giảm nhẹ so với tháng 4. Trong ảnh: Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm rau, củ, quả tại siêu thị Coopmart Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 24/5 cho thấy, mặc dù CPI tháng 5 đã giảm 0,06% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 6,36% so với cùng kỳ; đưa CPI 5 tháng qua tăng 2,35% so với tháng 12/2012 và tăng 6,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.
CPI tháng 5 giảm ở 4/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức giảm từ 0,07 - 0,57%, trong đó giảm mạnh nhất là nhóm giao thông, giảm nhẹ nhất là nhóm bưu chính viễn thông. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức sụt giảm đứng thứ ba với 0,53%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình có mức sụt giảm nhẹ nhất (0,35%).
Đại diện Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết: Mặc dù trong tháng 5, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài trong 5 ngày nhưng CPI cả nước vẫn giảm nhẹ là do lực kéo giảm giá của nhiều nhóm hàng thiết yếu.
Cụ thể, việc giảm giá bán xăng dầu vào ngày 18/4 và 26/4 đã làm chỉ số giá xăng dầu tháng 5 giảm 1,69% và giúp cho CPI chung giảm 0,04%. Cùng với xăng dầu, giá LPG hóa lỏng (gas) cũng giảm tới 4,84% do giá gas thế giới giảm đã tác động đáng kể kéo CPI chung đi xuống. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã giảm tổng cộng 5 đợt với mức giảm 40.000 - 55.000 đồng/bình 12 kg, giúp giá gas trong nước hiện dao động từ 340.000 - 370.000 đồng/bình 12 kg tùy theo từng hãng. Bên cạnh đó, giá các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng giảm nhẹ do nhu cầu xây dựng đầu năm chưa tăng.
Tháng 5 có ngày nghỉ lễ kéo dài nhưng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực phẩm (nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ hàng hóa chung) vẫn tiếp tục giảm khi người tiêu dùng lo sợ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong khi nguồn cung lại dồi dào do bước vào mùa vụ thu hoạch. Theo đó, giá lương thực đã giảm 0,69% so với tháng 4; trong đó, giá gạo bán lẻ trên thị trường giảm 0,95%; giá gạo tẻ ngon giảm 0,87%. Giá gạo trên thị trường châu Á cũng tiếp tục giảm do lượng gạo tồn kho tăng khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm chỉ còn 375 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn so với mức giá sàn mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra hồi tháng 2/2013. Do vậy, giá gạo trong nước cũng giảm sâu.
Giá thực phẩm cũng giảm khá mạnh, trong đó, giá thịt lợn giảm 1,83% do dịch lợn tai xanh đang bùng phát ở một số tỉnh nên nhu cầu của người dân giảm mạnh. Giá thịt gia cầm tươi sống giảm 2,68% so tháng trước do người dân lo sợ dịch cúm H5N1, H1N1 đang bùng phát cũng như ảnh hưởng của dịch cúm H7N9 ở Trung Quốc. Các loại thịt tươi sống giảm giá đã kéo theo giá thịt chế biến giảm 0,42%. Tuy nhiên, do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng các sản phẩm thủy hải sản thay thế sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nên giá các mặt hàng thủy hải sản tăng 0,35%. Giá rau tươi cũng tăng 0,85% do nắng nóng khiến sản lượng hạn chế hơn tháng trước.
Với việc nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 40%) trong rổ hàng hóa chung tiếp tục giảm đáng kể, CPI chung cả nước tháng 5 đã đảo chiều giảm nhẹ so với tháng 4.
Cũng trong tháng 5, giá vàng tiếp tục giảm mạnh với mức 4,62% do giá vàng thế giới giảm sâu và nhờ chính sách đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước. Hiện giá vàng trong nước đã về gần sát hơn với giá thế giới.
Ngược chiều với vàng, chỉ số giá USD trên thị trường đã tăng 0,21%, còn giá đô la Mỹ liên ngân hàng được giữ ổn định ở mức 20.828 VND/USD. Tuy nhiên, do có hiện tượng thu gom USD ở thị trường tự do nên giá USD ở thị trường tự do có lúc lên trên 21.500 VND/USD, giá bình quân trong tháng 5 ở mức 21.190 VND/USD.
Nguyễn Kim Anh