Chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trong chương trình Phiên họp thứ 20, ngày 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang. Phiên chất vấn được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tới các đoàn đại biểu Quốc hội, đại diện UBND, HĐND 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và được truyền hình, phát thanh trực tiếp để đồng bào, cử tri cả nước cùng theo dõi.


Thiếu văn bản hướng dẫn thi hành luật


Nội dung tập trung của đa số các câu hỏi trong buổi chất vấn dành cho Bộ trưởng Hà Hùng Cường là trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh dẫn đến tình trạng “luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư”. Các đại biểu cũng đề cập đến trách nhiệm thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp đối với những văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành được ban hành trái quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh:An Đăng - TTXVN

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, việc khắc phục tình trạng nợ đọng ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có chuyển biến rõ nét, nhất là từ cuối năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, vẫn còn nợ đọng cao trong năm 2013 với 107 văn bản. Giải thích nguyên nhân, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, bộ phận pháp chế của các bộ, ngành còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và nhiều vấn đề bất cập khác nên chưa đảm bảo chất lượng, yêu cầu công tác xây dựng pháp luật.


Cũng đề cập đến vấn đề này, hai lần đặt câu hỏi, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thẳng thắn: Tình trạng thiếu văn bản hướng dẫn thi hành luật đang ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và gây ra nhiều bức xúc trong cử tri, vậy ai phải chịu trách nhiệm?


Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đang dự thảo và sẽ sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, trong đó quy định trách nhiệm xây dựng pháp luật của Bộ trưởng và định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo kết quả công tác này. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng tán thành với đề xuất của đại biểu về việc Quốc hội có ý kiến chỉ đạo định kỳ 6 tháng, 1 năm Chính phủ báo cáo tiến độ công tác ban hành văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh trước Quốc hội. Đây được xem như một tiêu chuẩn đánh giá chất lượng công tác và cũng là một trong tiêu chí trong quá trình tiến lấy phiếu tín nhiệm đối với Bộ trưởng, Chính phủ đã thống nhất như vậy, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.


Giải thích thêm tại buổi chất vấn về lý do dẫn đến nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tại các phiên họp của Chính phủ, vấn đề này đều được các thành viên Chính phủ quan tâm, thảo luận. Các thành viên Chính phủ đều thống nhất việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật đã có bước tiến dài nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu. Năm 2006, Chính phủ còn tồn 526 văn bản hướng dẫn thi hành chưa được ban hành; năm 2007 là 481 văn bản, đến 2012, chỉ còn tồn đọng 163 văn bản. Năm 2013 việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật tăng lên. Chính phủ đã xác định nguyên nhân của trạng này là do trách nhiệm người đứng đầu ở các bộ ngành và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng luật của các bộ, ngành còn nhiều bất cập. Chính phủ đã có phương án và sẽ cố gắng khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định.


Kiểm soát việc ban hành thông tư của các bộ


Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết: Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp cũng đang phối hợp xây dựng Đề án thí điểm kiểm soát việc ban hành thông tư của các bộ, bắt đầu ngay từ các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.


Trước tình trạng còn tồn tại nhiều quy định, thông tư của các bộ gây bức xúc dư luận xã hội, làm chính sách xa rời thực tế mà không cơ quan nào có trách nhiệm, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh tình trạng trên... Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận có một số quy định chưa phù hợp với thực tế. Bộ cũng đang từng bước tăng cường công tác kiểm tra, khắc phục.

 

Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất


Chiều 20/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời chất vấn về trách nhiệm quản lý nhà nước trong khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; kết quả triển khai việc giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí; việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai.


Về vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai được các đại biểu đề cập, Bộ trưởng cho biết trong 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải rà soát, giải quyết 28 vụ việc trong đó có 10 vụ việc do bộ tự rà soát, tổng hợp. Kết quả có 17 vụ việc qua rà soát đã giải quyết đúng pháp luật, 8 vụ việc địa phương phải giải quyết lại.

 

Siết chặt việc cấp phép khai thác khoáng sản


Trả lời câu hỏi của đại biểu Danh Út, liên quan đến vấn đề quản lý khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Năm 2013, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ đã thành lập 8 đoàn kiểm tra để rà soát toàn bộ hồ sơ, qua đó phát hiện 957 giấy phép cấp sai. Kết quả kiểm tra cho thấy các địa phương đã cấp giấy phép không đúng thẩm quyền: 103 giấy phép; cấp phép khi chưa có quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: 37 giấy phép; cấp phép khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề về thăm dò, khai thác khoáng sản: 52 giấy phép; cấp phép thăm dò không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức, cá nhân ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản: 128 giấy phép...


Sau khi kiểm tra, Chính phủ đã có ý kiến đối với một số tỉnh, qua đó, yêu cầu các tỉnh tuân thủ các quy định pháp luật trong cấp phép. Chính phủ đề nghị 9 tỉnh thu hồi giấy phép cấp không đúng quy định; 10 tỉnh xem xét bổ sung điều chỉnh quy hoạch; 11 tỉnh tạm đình chỉ cấp giấy phép đối với những khu vực chưa có kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản. Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh có vi phạm đến ngày 30/11/2013 phải báo cáo tình hình.


Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định: Bảo vệ môi trường là vấn đề hết sức nan giải, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến ý thức của các doanh nghiệp bởi việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống xử lý chất thải, nước thải rất tốn kém. Nếu lực lượng cảnh sát môi trường, thanh tra tài nguyên môi trường không kiểm tra thường xuyên, các doanh nghiệp sẵn sàng xả thải ra ngoài môi trường, để bắt quả tang là không dễ. Theo Bộ trưởng, phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra thường xuyên, trông chờ vào ý thức tự giác của doanh nghiệp là rất khó, phải có thái độ xử lý kiên quyết, tiến tới sử dụng hệ thống trạm quan trắc tự động và camera theo dõi, giám sát các nguồn thải 24/24 giờ như tỉnh Bình Dương đã thực hiện.


Kết luận toàn bộ nội dung trả lời chất vấn của hai Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hệ thống pháp luật trong hai lĩnh vực này, ban hành quy định tăng cường thanh tra, kiểm tra việc hướng dẫn tổ chức, xây dựng pháp luật, tình hình nợ đọng, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phải cùng vào cuộc, các đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương phải tăng cường giám sát, công tác quản lý nhà nước phải nghiêm hơn nữa.

 

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN