Chất tạo nạc - nỗi ám ảnh của cộng đồng

Gần đây, trên thị trường tiếp tục xuất hiện những mẫu thịt chứa hàm lượng chất tạo nạc vượt quá mức cho phép gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng khiến dư luận hoang mang, lo lắng.


Tại cuộc họp báo công bố kết quả thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, các chuyên gia y tế khẳng định, dùng thức ăn có chất cấm Clenbuterol, Salmonella và Salbutamol (ba chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi) cho gia súc sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe, gây ngộ độc thực phẩm, thậm chí tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư đối với con người.

Kết quả giám sát an toàn thực phẩm nông thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2015 do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện, cho thấy: Có tới 16% số mẫu thịt bị phát hiện chứa chất tạo nạc Salmonella; 10,3% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép.

Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga nhấn mạnh: Clenbuterol là loại thuốc thú y chủ yếu được sử dụng để điều trị co thắt phế quản ở ngựa, chất Salbutamol dùng cho công tác chữa bệnh. Chất này được dùng cho người với liều lượng thấp và chỉ định nghiêm ngặt của thầy thuốc.

Theo đó, chất Salbutamol có tác dụng giãn cơ trơn phế quản, cơ tử cung, cơ trơn mạch máu… giúp chữa các bệnh về hen phế quản, chống nguy cơ sinh non ở sản phụ… Cả Clenbuterol và Salbutamol có thể làm tăng tỷ lệ cơ bắp nên chúng được sử dụng như một chất kích thích tăng trưởng để tăng phần nạc của vật nuôi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các thử nghiệm trên động vật ăn cỏ thì khi vào cơ thể, lượng Clenbuterol tập trung cao nhất ở gan và thận. Dư lượng của Clenbuterol tồn tại trong võng mạc mắt và trong tóc có thể lâu tới vài tháng.

Chất cấm trong chăn nuôi có tác dụng làm tăng hàm lượng protein, kích thích tăng trọng nhờ quá trình chuyển hóa hàm lượng mỡ tích tụ trong các mô cơ ở vật nuôi. Đây cũng là những chất không thể tiêu hủy được trong cơ thể vật nuôi.

Việc sử dụng Clenbuterol trong chăn nuôi có thể dẫn đến nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng. Clenbuterol chỉ bị phân hủy ở nhiệt độ trên 172 độ C, nên việc nấu nướng thông thường khó có thể loại bỏ hết độc tính của chất này. Những người ăn thịt có chứa Clenbuterol có thể bị các triệu chứng nhịp tim nhanh, chóng mặt, nhức đầu, run, căng thẳng, thậm chí tử vong nếu nồng độ Clenbuterol cao.

Liên quan đến việc thông tin Bộ Y tế cho nhập Salbutamol với số lượng lớn, dẫn đến nguy cơ Salbutamol sẽ được sử dụng trong chăn nuôi động vật, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết: Theo báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Y tế chỉ cho phép nhập 3,5 tấn Salbutamol, những công ty có số đăng ký đối với các sản phẩm nêu trên mới được phép nhập vào Việt Nam.

Cho nên, việc cho nhập số lượng bao nhiêu đều phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng thực tế trong điều trị. Riêng đối với Salmonella, trong những năm gần đây không có doanh nghiệp nào được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, sự việc tồn dư Salmonella trong các sản phẩm động vật hiện nay là vẫn xảy ra.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân nhập lậu các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng trong cả nước…

Theo Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga, chất cấm trong chăn nuôi không có nghĩa là cấm trong ngành khác. Chẳng hạn như ngành y tế buộc phải dùng chất Salbutamol cho công tác chữa bệnh. Chất này được dùng cho người với liều lượng thấp và chỉ định nghiêm ngặt của thầy thuốc.

Việc sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa Salbutamol (thuốc độc bảng B) được quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dược, nên không có chuyện thuốc được tuồn ra bên ngoài. Do đó nguồn Salbutamol đang được người chăn nuôi lạm dụng trộn vào thức ăn để kích thích tăng trưởng, làm tạo nạc có thể từ con đường nhập lậu.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân nhập lậu các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng trong cả nước…


Ngoài ra, để hạn chế việc lạm dụng các chất cấm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở thức ăn chăn nuôi quy mô lớn. Đồng thời, ngành y tế cũng chọn giải pháp đẩy mạnh thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm cũng như các cơ sở sản xuất.

Nếu phát hiện các cơ sở có sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử phạt nặng, sau đó công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó tuyên truyền người dân nhận biết dấu hiệu thực phẩm an toàn, chất lượng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có văn bản yêu cầu các địa phương chấm dứt lưu thông thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm sau khi đoàn kiểm tra phát hiện chất Salbutamol trong thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, cũng khuyến cáo người tiêu dùng thông thái nhận biết sản phẩm thịt lợn nếu được nuôi bằng hóa chất tạo nạc thì da sẽ mỏng hẳn. Khi lợn còn sống, da có độ căng bất thường, có cảm giác như bị ứ nước bên trong. Khi chọn thịt cần tránh loại mà lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 – 2cm).

Khi thái thịt, nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được thì có khả năng là loại bị sử dụng chất tạo nạc. Khi mua thịt cần để ý chỗ liên kết giữa phần nạc và phần mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có dịch vàng rỉ ra thì chắc chắn đó là thịt nuôi bằng chất tạo nạc.

Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt...

Quốc Trị (TTXVN)
Phạt 3 cơ sở dùng chất tạo siêu nạc
Phạt 3 cơ sở dùng chất tạo siêu nạc

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 140 triệu đồng mỗi cơ sở đối với 3 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có cung cấp thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN