Chăm lo thiết thực cho năm học mới

Năm học mới 2013 - 2014 đã bắt đầu. Nhiều địa phương, tập thể, đơn vị, cá nhân đã dành sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần để hỗ trợ một cách thiết thực cho sự nghiệp trồng người, đặc biệt tại những địa bàn còn nhiều khó khăn.


“Trường ra trường, lớp ra lớp”


Mùa khai giảng, bên cạnh niềm vui hội ngộ bạn bè, thầy cô, học sinh nào cũng háo hức với trường, lớp mới. Cơ sở vật chất khang trang cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện.


Ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cho biết: Những năm học trước, Cà Mau là tỉnh luôn đối mặt với nhiều cái khó: thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên… Năm học mới 2013-2014 đã cơ bản khắc phục những khó khăn trên. Tỉnh đã xây mới 20 phòng chức năng, 60 phòng học; sửa chữa hơn 1.000 phòng học bị xuống cấp, mua sắm hàng ngàn bộ bàn ghế giáo viên và học sinh với kinh phí gần 100 tỷ đồng. Ngay trong dịp hè, các huyện, thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa trường lớp học, mua sắm trang thiết bị bàn ghế và dụng cụ học tập, cung ứng đầy đủ sách giáo khoa và thiết bị dạy học ở tất cả các ngành học, cấp học.


Nhóm tình nguyện “Chia sẻ tình thương” tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Nà Lốc, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) nhân dịp khánh thành ngôi trường mới. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN


Tại Tiền Giang, tỉnh đã tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất trường lớp. Tỉnh ưu tiên triển khai các dự án xây dựng trường lớp tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhiều khó khăn như: huyện cù lao Tân Phú Đông, vùng lũ phía Tây, vùng Đồng Tháp Mười... nhằm tạo chuyển biến thực sự về chất lượng giáo dục – đào tạo, xóa những “vùng trũng” trong dạy và học.


Tại Nghệ An, các địa phương, và cơ sở giáo dục đã khai thác hiệu quả mọi nguồn lực để tiếp tục chăm lo cơ sở vật chất, mua sắm sách và thiết bị dạy học. Các địa phương lo kinh phí, cơ sở vật chất; nhà trường chăm lo chất lượng giáo dục; các cơ sở giáo dục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia.


Góp phần hỗ trợ ngành giáo dục, ngày 28/8, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) tổ chức bàn giao 4 trường mẫu giáo và các thiết bị y tế cho tỉnh Hậu Giang với tổng giá trị gần 20 tỷ đồng. 4 trường mẫu giáo ở các xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng thuộc huyện Phụng Hiệp và các xã Lương Nghĩa, Thuận Hòa thuộc huyện Long Mỹ, tổng mức đầu tư xây dựng gần 15 tỷ đồng, với đầy đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt, vui chơi của học sinh mẫu giáo. Các ngôi trường này sẽ góp phần giúp Hậu Giang hoàn thiện mục tiêu Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giúp trẻ em từ 3 - 5 tuổi phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ để chuẩn bị bước vào lớp một.


Những chăm lo của toàn ngành giáo dục, của các địa phương và doanh nghiệp cho các nhà trường, nói như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại lễ khai giảng năm học 2013 - 2014 của trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Đà Lạt, Lâm Đồng), là nhằm “tạo điều kiện thuận lợi để con em chúng ta được học tập, rèn luyện đạt kết quả trong môi trường giáo dục tốt nhất”.


Tiếp sức đến trường


Trong lúc học sinh cả nước nô nức tới trường, có rất nhiều em, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không được tiếp tục giấc mơ đèn sách. Chia sẻ những khó khăn của các em, nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp hảo tâm đã dành cho các em những chăm lo về vật chất, để các em phần nào yên tâm đến lớp.


Em Nguyễn Thị Hiếu, sinh năm 1995, ở xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), có mẹ bị ung thư cột sống 11 năm nay, cha mắt mờ. Hiếu vừa làm mọi việc của nhà nông như cày bừa, phun thuốc trừ sâu, cắt cỏ nuôi bò, đi làm thuê ở quán phở... nhưng vẫn học giỏi. Em đạt giải nhì thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử; thi vào đại học Luật Hà Nội được 26 điểm. Em Hồ Thị Thu Hà, sinh năm 1995, ở xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh; gia đình là hộ cận nghèo, bố mẹ ốm đau thường xuyên, không có tiền mua thuốc. 12 năm liền, Hà đều là học sinh giỏi; thi đại học được 25,5 điểm. Em Cầm Thị Thanh, sinh năm 1995, trú tại xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa; gia đình là hộ nghèo, bố mẹ đều làm ruộng, anh trai đã phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Bản thân Thanh sau khi dự thi đại học đã phải vào miền Nam làm công nhân cùng anh trai với mục đích kiếm tiền giúp đỡ gia đình và chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên... Các trường hợp trên nằm trong số 160 tân sinh viên vượt khó, học giỏi của 4 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã được nhận học bổng “tiếp sức đến trường” của báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh. Các em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đã trúng tuyển đạt điểm cao vào các trường đại học hoặc cao đẳng năm học 2013 – 2014, có nguy cơ phải nghỉ học nếu không được giúp đỡ. Với trị giá học bổng 5 triệu đồng/suất, mọi khó khăn chưa phải đã hết với các em, nhưng sẽ khơi trong các em niềm ấp ủ: xã hội sẽ không để bất cứ một bạn trẻ nào học giỏi, mà có ý chí phải từ bỏ ước mơ.

Trường THCS Yên Quang (Nho Quan, Ninh Bình) vừa được sửa chữa, nâng cấp, đón học sinh vào năm học mới. Ảnh: Anh Minh - TTXVN


Tại Thừa Thiên – Huế, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế Phạm Văn Hùng cho biết: Sở đã chỉ đạo Phòng giáo dục các huyện, thành phố, thị xã và các trường mua sách giáo khoa và trang thiết bị dạy học phục vụ cho năm học mới. Đặc biệt, học sinh con gia đình chính sách, học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn của 2 huyện Nam Đông, A Lưới đã được cung cấp đủ sách giáo khoa theo chế độ với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Các đơn vị giáo dục cũng tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các tổ chức xã hội, hội cha mẹ học sinh… để có kế hoạch giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần cho các em học sinh thuộc đối tượng khó khăn được tiếp tục đến trường, tránh nguy cơ bỏ học. Các tổ chức xã hội, Hội Khuyến học các địa phương, dòng họ trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát gần 1.000 suất học bổng với tổng trị giá tiền 200 triệu đồng cho học sinh nghèo hiếu học.

Thêm một số chính sách mới đối với giáo viên
và học sinh vùng khó

Theo Bộ GD- ĐT, từ ngày 1/9/2013, học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được nhận hỗ trợ 15 cân gạo/học sinh/tháng. Bên cạnh đó, học sinh THPT vùng đặc biệt khó khăn cũng sẽ được hỗ trợ chi phí ăn, ở trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ cấp bù trực tiếp học phí cho các cơ sở giáo dục, do đó đối tượng được miễn giảm học phí ở bậc đại học sẽ được miễn giảm trực tiếp tại trường, thay vì nộp học phí như bình thường và về địa phương để nhận lại khoản hỗ trợ này.

(N.A)


Trong năm học tới, Sở GD- ĐT Cà Mau sẽ đề xuất với UBND tỉnh tìm nguồn kinh phí tiếp tục duy trì chương trình hỗ trợ tiền đò cho học sinh là con em thuộc diện gia đình nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc Khmer; đồng thời, vận động xã hóa giáo dục để tặng tập vở, trao học bổng, xe đạp… giúp các em học sinh đã bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn sớm trở lại trường.


Song hành cùng ngành giáo dục, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng dành nhiều ưu ái, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, nhất là những trường hợp khó khăn. Tại thành phố Cần Thơ, Công ty Chevron Việt Nam, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, Công ty Khai thác Dầu khí Mitsui Nhật Bản và Công ty Khai thác và Sản xuất Dầu khí PTT Thái Lan đã trao học bổng cho 100 học sinh vượt khó học giỏi của đồng bằng Sông Cửu Long. Ông Barry Andrews, Chủ tịch Công ty Chevron Việt Nam khẳng định: Các nhà tài trợ cam kết tích cực hỗ trợ địa phương cải thiện điều kiện giáo dục, thực hiện mục tiêu ngày càng nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Tại Đắk Nông, Báo Đắk Nông và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam Chi nhánh Tây Nguyên tặng 210 suất quà cho các em học sinh trường Tiểu học Ngô Gia Tự, xã Đắk Môl, huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông).

Công ty cổ phần khai thác khoáng sản Tây Nguyên - Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên huyện Đắk Song trao tặng 4.000 quyển vở, 1.000 cây bút cho các em học sinh trường Tiểu học Vừ A Dính ở xã Đắk Som. Ngày 31/8, Quỹ học bổng Nhân Thiện thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre tổ chức lễ trao học bổng nâng bước đến trường dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nguy cơ nghỉ học.


Những tấm lòng vàng đó, không chỉ tiếp sức về vật chất mà còn mang tới cho các em niềm động viên để các em luôn tự tin, sáng tạo, vượt khó, học tập tốt, rèn luyện tốt, phấn đấu xứng đáng với sự mong đợi của các thầy, cô giáo, của gia đình và xã hội, sau này trở thành những con người có đức, có tài.


Thêm nhiều chính sách cho giáo viên


Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm nay ngành GD - ĐT sẽ bổ sung thêm chính sách đối với nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, giúp họ thêm gắn bó với công việc như thay đổi trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp lần đầu… Đây là một trong những chính sách nhằm thu hút đội ngũ giáo viên cho vùng khó, hỗ trợ người dạy yên tâm với sự nghiệp trồng người, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại những địa bàn vùng khó.


Tại các địa phương, công tác chăm lo cho người dạy cũng rất thiết thực. Ông Lý Thanh Tú - Phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo An Giang cho biết: Ngay từ đầu năm 2013, sở đã lên kế hoạch xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất, tranh thủ từ các nguồn được trên 48,58 tỷ đồng, trong đó có trên 1,4 tỷ đồng từ đóng góp của cộng đồng. Từ các nguồn này, tỉnh An Giang đã xây mới 26 nhà công vụ giải quyết cho giáo viên xa nhà tình nguyện về phục vụ vùng khó khăn, vùng sâu, vùng núi, biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên, Tân Châu, An Phú…


Theo Tiến sĩ – Nhà giáo ưu tú Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 – 2013, địa phương đã huy động trên 890,4 tỉ đồng, xây dựng 1.702 phòng học và 114 nhà công vụ giáo viên có tổng diện tích 5.472 m2. Các công trình trên đã hoàn thành đúng tiến độ và kịp đưa vào sử dụng trong năm học 2013 – 2014. Năm học mới này, Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau chú trọng việc thực hiện đổi mới về phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng, chuẩn hóa trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên… nhằm rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn.


Tại Nghệ An, ngành giáo dục tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ thông tin, đổi mới giảng dạy theo phương pháp “Giáo án điện tử”; 100% trường học các cấp đã được kết nối internet… góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Trình độ giáo viên ở Nghệ An nói chung, ở các huyện miền núi của Nghệ An nói riêng được nâng lên nhanh chóng thông qua các giải pháp sàng lọc đội ngũ, tạo điều kiện cho giáo viên đi học.


Tại Đắk Nông, ngành giáo dục tỉnh đổi mới công tác quản lý giáo dục, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý phù hợp; kết hợp bồi dưỡng năng lực quản lý với bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý. Quy hoạch cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với tình hình phát triển giáo dục trong các năm tới. Ngành giáo dục tỉnh cũng tăng cường công tác bồi dưỡng lý luận chính trị kết hợp với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên theo quy định, tăng cường bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá. Đối với giáo viên giảng dạy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các trường phổ thông dân tộc nội trú, ngoài công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cần phải bồi dưỡng thêm tiếng đồng bào dân tộc nội trú; trước mắt tập trung bồi dưỡng tiếng MNông và Ê đê, các giáo viên dạy ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, vùng đồng bào dân tộc MNông phải nói thành thạo tiếng M Nông. Song hành cùng ngành GD - ĐT, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Đắk Nông hỗ trợ 10 tỷ đồng xây dựng 5 trường mầm non và 37 phòng ở nhà công vụ cho giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Năm học 2013 - 2014 là năm học có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển giáo dục theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục ở các địa phương. Việc các cấp, các ngành dành sự quan tâm đặc biệt và thiết thực để tạo điều kiện cho người học, người dạy cũng như nhà trường thể hiện tinh thần trọng đạo hiếu học của Việt Nam, đồng thời thế hiện sự mong đợi của toàn xã hội vào ngành giáo dục, và niềm tin, hy vọng vào thế hệ tri thức tương lai của nước nhà.

PV- TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN