Thông tin hàng trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước bị lãng phí từ việc phát hành trùng lặp hàng trăm ngàn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên toàn quốc đang gây xôn xao dư luận. Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN), đã trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Quầy thanh toán bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Dương Ngọc – TTXVN |
´Thưa ông, xin ông cho biết cụ thể về việc cấp trùng thẻ và nguyên nhân vì sao lại dẫn đến việc cấp trùng một số lượng thẻ BHYT lớn như vậy?
Luật BHYT có hiệu lực từ 1/7/2009 nhưng đến năm 2010 thì chúng ta mới bắt đầu thực hiện đầy đủ Luật BHYT. Sau đó 1 năm thì ngành BHXH VN bắt đầu phát hiện tình trạng cấp trùng thẻ BHYT. Sau nhiều lần kiểm tra, tháng 10/2012, BHXH VN đã yêu cầu BHXH địa phương phối hợp cùng các cơ quan chức năng làm báo cáo về tình trạng này. Đến nay, chúng tôi đã nhận được báo cáo của hơn 40 tỉnh, thành phố. Số lượng thẻ BHYT cấp trùng là 770.000 thẻ (năm 2011- 2012), tập trung vào nhóm đối tượng: Nhóm trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, thân nhân lực lượng vũ trang…
Nguyên nhân chính là do trong quy định hiện hành có tới 25 nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT, mà lại có quá nhiều đầu mối quản lý và lập danh sách, như: Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi do ngành lao động quản lý lập danh sách; học sinh do ngành giáo dục quản lý và lập danh sách; thân nhân lực lượng vũ trang do bên quân đội quản lý và lập danh sách... Thế nên, khó tránh khỏi tình trạng một người được nhiều cơ quan lập danh sách và cấp thẻ BHYT.
´Vậy thì cán bộ BHXH VN có thể phát hiện sớm tình trạng cấp trùng thẻ BHYT thông qua phần mềm vi tính của ngành, thưa ông?
Khi phát hiện vấn đề nêu trên, chúng tôi đã bổ sung phần mềm quản lý cấp thẻ BHYT, nhằm kiểm soát việc phát hiện cấp trùng thẻ BHYT. Tuy nhiên, việc “lọc”, tìm ra đối tượng trùng lặp hiện vẫn thực hiện theo cách rất thủ công, mất nhiều thời gian. Ví dụ, cán bộ của chúng tôi phải lọc lần lượt xem có bao nhiêu đối tượng trùng tên Nguyễn Văn A, rồi kiểm tra xem địa chỉ từng người ra sao, nếu địa chỉ không rõ ràng mà trùng ngày tháng năm sinh thì phải lọc tiếp đến tên bố, mẹ từng người...
Một số địa phương có số lượng thẻ BHYT cấp trùng cao: Vĩnh Phúc (59.411 thẻ), Hà Nội (52.740 thẻ), TP Hồ Chí Minh (42.127 thẻ)… |
Mà khi chúng tôi phát hiện thấy sự trùng lặp trong cấp thẻ BHYT thì cũng không được tự ý “cắt” danh sách đó đi được, vì Luật BHYT quy định cơ quan BHXH có trách nhiệm cấp thẻ theo đề xuất của cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT. Vì vậy, sau khi thống nhất với các Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Tài chính, chúng tôi phải tập hợp danh sách đối tượng trùng lặp để báo cáo UBND các địa phương. Quyết định của UBND về việc giảm số thẻ BHYT bị trùng sau đó, sẽ là căn cứ để trừ giảm số tiền đã cấp mua thẻ BHYT (500.000 đồng/thẻ theo cách tính của năm 2011 và 600.000 đồng/thẻ năm 2012). Việc thu hồi ngân sách liên quan đến việc cấp trùng 770.000 thẻ BHYT đang được thực hiện theo phương thức này.
´Nhưng làm thế nào để thu hồi số ngân sách rất lớn, ước lên tới gần 400 tỷ đồng, đã cấp cho việc mua 770.000 thẻ BHYT đó, thưa ông?
Thông thường, cuối năm sau thì các địa phương mới thanh toán cho cơ quan BHXH ngân sách mua thẻ BHYT của năm trước. Hiện tại, các cán bộ của ngành đang nỗ lực xác định cụ thể về số lượng thẻ BHYT cấp trùng, để làm căn cứ quyết toán ngân sách với các địa phương sau này.
Với các cơ sở y tế, khi BHXH VN thông báo cho bệnh viện số quỹ BHYT được sử dụng trong năm tới (dựa trên số thẻ BHYT đăng ký) thì cũng chỉ là con số kế hoạch. Khi thanh toán chi phí khám chữa bệnh, cơ quan BHXH sẽ quyết toán trên những chi phí thực tế mà bệnh viện đã cung cấp cho người có thẻ BHYT. Về phía người bệnh, dù có nhiều thẻ BHYT thì khi đi khám cũng chỉ được cấp thuốc 1 lần.
Chính vì vậy, ngân sách cấp cho việc mua thẻ BHYT cấp trùng không thể bị thất thoát, có xảy ra lãng phí thì chỉ ở khâu lập danh sách, in số thẻ BHYT bị trùng đó.
´Vậy đâu là biện pháp để ngăn chặn việc tái diễn tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, thưa ông?
Trong kiến nghị sửa Luật BHYT tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất quy định mới, đó là giao trách nhiệm cho một cơ quan đầu mối đứng ra lập danh sách người được cấp thẻ BHYT (như giao trách nhiệm trực tiếp cho UBND các cấp). Đồng thời, đề xuất phương án đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình với sự xác nhận của UBND, thay bằng việc đăng ký từng cá nhân tham gia BHYT như hiện nay…
Ngoài ra, chúng tôi đang đề nghị Liên Bộ Y tế - Lao động, thương binh & xã hội, báo cáo Chính phủ về việc cho phép xây dựng mã số an sinh xã hội cho người tham gia BHYT, BHXH. Năm 2020, khi Bộ Tư Pháp và Bộ Công an ban hành mã số định danh công dân, thì chúng ta chỉ việc chuyển các dữ liệu cá nhân từ mã số an sinh sang.
Theo tôi, việc xây dựng mã số an sinh xã hội có những tốn kém nhất định, nhưng xét về hiệu quả trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, theo dõi cũng như cấp thẻ BHYT (chống cấp trùng) thì đây thực sự giải pháp căn cơ nhất, cần sớm được cho phép triển khai.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)