Đến nay, cả nước ghi nhận hơn 320 ca viêm não vi rút; trong đó, đã có 5 ca tử vong. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới vì đỉnh điểm của bệnh thường rơi vào tháng 5 - 7 hàng năm.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về nguyên nhân và các biện pháp để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.
Xin ông cho biết triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh viêm não vi rút?
Viêm não vi rút là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: Nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.
Chăm sóc cho bệnh nhi viêm não tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Các căn nguyên gây viêm não thường là các vi rút arbo (trong đó có vi rút viêm não Nhật Bản(VNNB), vi rút herpes, các vi rút đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các vi rút khác mà ta chưa biết rõ... Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng vi rút do đó việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định vi rút.
Như vậy, bệnh VNNB chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não vi rút ở nước ta, chiếm khoảng 10 -15% tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút.
Cần làm gì để phòng các loại bệnh viêm não vi rút, thưa ông?
Cần phải dựa vào các nguyên nhân để phòng bệnh một cách thích hợp.
Đối với các vi rút arbo, bệnh lây qua côn trùng tiết túc do muỗi, ve… đốt, quan trọng nhất là hạn chế các nguy cơ bị côn trùng, muối đốt khi sinh hoạt hoặc làm việc ngoài trời đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất) thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay, chân như mặc áo dài tay, mang tất cùng với việc sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ. Để hạn chế sự phát triển của muỗi gây bệnh, cần thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các dụng cụ thừa có khả năng đọng nước nhằm giảm thiểu nơi cư ngụ, nơi đẻ trứng của muỗi kết hợp với phun hóa chất diệt muỗi ở những nơi có mật độ muỗi cao.
Đối với các chủng vi rút như herpes, sởi, quai bị…, bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, cần cách ly và hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Trong số các chủng vi rút này, một số chủng vi rút gây bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như sởi, quai bị, thì cần phải chủ động tiêm vắc xin.
Đối với các vi rút đường ruột, bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, vệ sinh cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu do hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, trong đó việc rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh ăn chín, uống chín là biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả.
Đối với vi rút gây bệnh VNNB đã có vắc xin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95% trong khoảng 3 năm.
Bệnh VNNB là gì và có nguy hiểm không?
VNNB là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do vi rút VNNB gây ra. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%.
Động vật nhiễm vi rút chính là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB cho người. Trong đó, nguồn truyền nhiễm trong thiên nhiên là các loài chim và một số loài bò sát; nguồn truyền nhiễm ở súc vật gần người nhất là lợn, do dễ bị nhiễm vi rút và được chăn nuôi ở nhiều hộ gia đình. Ngoài ra, một số gia súc khác như trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là ổ chứa của vi rút.
Bệnh VNNB không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm vi rút (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người. Muỗi truyền bệnh VNNB được gọi là véc tơ truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.
Có phải thời gian tới mới là đỉnh điểm của bệnh VNNB không?
Bệnh VNNB có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5, 6, 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút VNNB đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh VNNB chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước dây và có thể bị nhiễm vi rút khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh VNNB.
Để phòng bệnh VNNB, người dân cần áp dụng biện pháp nào, thưa ông?
Chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các loại vắc xin trong đó có vắc xin VNNB, bởi vắc xin chính là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất và chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có VNNB.
Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản. Ảnh: Phương Liên |
Ngoài ra, cần thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy tại hộ gia đình.Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu.
Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì cần đến ngay các có sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và phòng lây nhiễm cho người khác.
Toàn thể người dân và cộng đồng cùng chung tay thực hiện và phối hợp thật tốt với ngành y tế trong tất cả các hoạt động phòng chống dịch bệnh được triển khai tại hộ gia đình cũng như tại cồng đồng.
Phương Liên (ghi)