Việc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trải qua nhiều biến động cả về kinh tế lẫn chính trị, trong đó có việc Hy Lạp và 16 ngân hàng Tây Ban Nha vừa bị hạ mức tín nhiệm, đã làm chao đảo các thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu ngày 18/5; giữa bối cảnh giới đầu tư ngày càng lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone có nguy cơ vượt tầm kiểm soát.“Tin dữ” từ Hy LạpHãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings ngày 17/5 đã hạ một bậc tín nhiệm của Hy Lạp từ B- xuống CCC, là mức “dễ vỡ nợ”, do rủi ro ngày càng lớn và nước này có thể buộc phải rời khỏi Eurozone. Theo Fitch, “việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp phản ánh mức độ rủi ro gia tăng về việc Hy Lạp có thể không có khả năng duy trì tư cách thành viên của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ (EMU)”.
Động thái trên của Fitch diễn ra trong bối cảnh đang có tâm lý lo ngại việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone có thể tác động xấu tới Tây Ban Nha và Italia - hai mắt xích hiện được cho là đang lung lay trong Eurozone. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho biết nếu không có gói cứu trợ của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hy Lạp sẽ bị phá sản và chắc chắn phải rời khỏi Eurozone, điều này sẽ tác động xấu tới tình hình tài chính của toàn châu lục.
Chỉ số chứng khoán Hàn Quốc (trái) giảm tới 3,4% trong phiên giao dịch ngày 18/5. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cùng ngày, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's lại hạ mức xếp hạng tín dụng của 16 ngân hàng Tây Ban Nha lần lượt từ 1 đến 3 bậc, do lo ngại tác động của cuộc suy thoái đang diễn ra cùng khả năng thanh toán nợ của nước này đang yếu dần. Hai ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha là Santander và BBVA bị đánh tụt hạng nhiều nhất với 3 bậc từ Aa3 xuống A3 với triển vọng tín dụng yếu. Hai ngân hàng lớn tiếp theo là Banesto và CaixaBank cũng bị tụt xuống bậc A3. Moody's cho rằng cùng với suy thoái kinh tế, khủng hoảng nhà đất và tỷ lệ thất nghiệp liên tục gia tăng là những nhân tố chính khiến tổ chức này hạ mức xếp hạng tín dụng của các ngân hàng Tây Ban Nha xuống nhiều bậc.
Trước đó chỉ hơn nửa tháng, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's đã hạ mức xếp hạng tín dụng của 11 ngân hàng Tây Ban Nha do lo ngại về hệ thống tài chính và triển vọng kinh tế nghèo nàn của nước này.
Các thị trường chao đảoNhững tin xấu từ Hy Lạp và Tây Ban Nha khiến chứng khoán châu Á quay đầu đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 18/5, với hầu khắp các thị trường trong khu vực đều nằm trong vùng đỏ. Đóng cửa phiên 18/5, chỉ số MSCI (chứng khoán châu Á) giảm 2,25%; các chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,99%; Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1,44%; KOSPI của Hàn Quốc lao dốc 3,40%; S&P/ASX 200 của Ôxtrâylia lùi sâu 2,67% - mức thấp nhất của chỉ số này trong 8 tháng qua; Hang Seng của Hồng Công giảm 1,30%.
Sắc đỏ cũng bao trùm hầu hết bảng giao dịch chứng khoán trên thị trường châu Âu ngày 18/5. Lúc 22 giờ 45 (giờ VN), các chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh giảm 1,09%; CAC 40 của Pháp giảm 0,1%; DAX của Đức giảm 0,26%. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ cùng thời điểm lại hồi phục nhẹ, với các chỉ số chứng khoán chủ chốt Dow Jones, S&P 500 tăng lần lượt là 0,08% và 0,24%; trong khi chỉ số Nasdaq giảm không đáng kể (0,01%).
Thị trường tiền tệ châu Á tiếp tục chịu sức ép mạnh trong việc bán tháo đồng euro trong phiên 18/5. Trên thị trường Tôkyô, đồng euro đứng ở mức 100,33 yên - mức thấp nhất của đồng tiền châu Âu so với đồng yên kể từ đầu tháng 2 tới nay, sau khi đã trượt xuống 100,65 yên vào cuối phiên trước (17/5) trên thị trường New York. Đồng euro cũng tiếp tục trượt dốc so với đồng USD, chỉ còn 1,2657 USD so với 1,2693 USD trên thị trường New York vào cuối phiên trước.
Trong khi đó, đồng yên lại được hậu thuẫn mạnh mẽ nhờ những số liệu kinh tế tích cực mới nhất từ Nhật Bản và được hưởng lợi nhờ sự trượt giảm của đồng euro và đồng bạc xanh. Theo chiến lược gia Daisuke Uno tại Sumitomo Mitsui Banking Corp, sức mạnh của đồng yên có thể không phải chuyện “một sớm một chiều” bởi nền kinh tế Nhật Bản đang tỏ ra khá mạnh so với các nền kinh tế khác. Chuyên gia này cho biết, trong vòng tháng tới, đồng USD có thể sẽ rơi về mức 77 yên/USD. Sức mạnh của đồng yên khiến Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi đang tính tới việc tái kêu gọi kiềm chế đà tăng giá của đồng tiền này và kêu gọi Tôkyô cần có hành động “thích hợp” khi cần thiết. Lời kêu gọi này của ông Azumi lại làm dấy lên khả năng sẽ có một đợt can thiệp mới của chính phủ Nhật Bản vào thị trường tiền tệ nước này.
Phiên giao dịch ngày 18/5, giá dầu trên thị trường châu Á tiếp tục trượt sâu xuống các mức thấp nhất trong gần 6 tháng qua. Trên sàn giao dịch điện tử Xinhgapo, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6/2012 giảm mạnh xuống 91,66 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2012 cũng giảm xuống 106,50 USD/thùng. Trên thị trường New York lúc 22 giờ 45 phút (giờ VN), giá dầu thô ngọt nhẹ giảm 0,36% còn 92,23 USD/thùng; giá dầu Brent giảm 0,18% còn 107,3 USD/thùng.
Hiện giá dầu thô ngọt nhẹ đã giảm tới 17% so với mức đỉnh trong năm nay là 110,68 USD/thùng, được lập vào ngày 24/2/2012; trong khi giá dầu Brent đã để mất khoảng 15% kể từ mức đỉnh 125,61 USD/thùng, ghi được trong ngày 23/3 vừa qua.
Sự bất ổn của thị trường chứng khoán đã khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Giá vàng trên thị trường Hồng Công lúc đóng cửa phiên 18/5 đã tăng 37,83 USD, lên 1.596,47 USD/ounce (40.094.000 đồng/lượng). Trên thị trường New York lúc 22 giờ 45 (giờ VN), giá vàng tăng 1,33%, lên 1.595,8 USD/ounce (40.077.000 đồng/lượng).
Theo nhận định của giới chuyên môn, giá vàng tăng là do sự “yểm trợ” của thông tin cho hay hoạt động công nghiệp của Mỹ sa sút, làm bùng lên hy vọng về khả năng Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ.
Hằng - Hạnh (Tổng hợp)