Khi người lành tiếp thu một lượng trực khuẩn Bacille de Koch (BK) nào đó, nếu cơ thể yếu sẽ mắc bệnh. Khi BK vào phổi, theo máu đến các mạch bạch huyết sẽ gây lao, như: Lao ruột, lao thận, lao xương, lao màng não, màng tim, màng bụng, lao da… Lao phổi gồm nhiều thể, mỗi thể lại có triệu chứng riêng.
- Lao sơ nhiễm: Là những biểu hiện lần đầu tiên tiếp xúc với BK thường tổn thương thùy dưới phổi bên phải. Triệu chứng lâm sàng, sau hai tuần đến hai tháng nhiễm BK, người bệnh thấy sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi, chán ăn, ho húng hắng. Trẻ em thì hay ra mồ hôi trộm, rối loạn tiêu hóa (từng đợt táo, lỏng xen kẽ), nổi hạch ở cổ, đó là do nhiễm độc lao. Chụp Xquang có hình ảnh tổn thương do sơ nhiễm lao, thể này thường gặp ở trẻ nhỏ và người ít tiếp xúc với cộng đồng. Thể này nhẹ, tiên lượng tốt.
- Lao thâm nhiễm: Là lao sơ nhiễm đã chuyển sang thể nặng hơn. Triệu chứng giống lao sơ nhiễm nhưng mức độ trầm trọng hơn. Lúc này trong phổi có nhiều nốt viêm nhưng chưa làm mủ.
- Lao kê: Khi BK lan theo máu vào phổi và các bộ phận trong cơ thể, thể này thường gặp ở người trẻ đã bị sơ nhiễm lao, lượng BK đi vào máu rất nhiều. Người bệnh sốt cao, kéo dài, lồng ngực như bị đè nặng, khó thở. Chụp tim thấy nốt lao rải rác ở phổi như hạt kê.
- Lao loét bã đậu: Là loại lao đã loét có mủ như bã đậu. Thể này thường gặp ở người già. Người mắc có triệu chứng toàn thân mệt mỏi, sốt về chiều, sút cân, chán ăn, ngủ ít, ra mồ hôi trộm, ho khan. Sau một thời gian ho thành cơn vào sáng khi ngủ dậy, khạc đờm tròn xoáy, không dính.
Nhiều khi tình cờ phát hiện bệnh lao qua khám phổi với các dạng: Đám thâm nhiễm thường thấy dưới xương đòn hình tròn, lao ở một thùy hay phân thùy phổi, lao cục, lao hang. Xét nghiệm: Thử đờm nhiều lần mới thấy BK. Thử máu tìm thể tích huyết trầm. Nếu từ 20 mm trở lên là lao đang phát triển.
Ds Chu Ngọc Tần